Điện mặt trời mái nhà “sốt” trở lại

Nhiều hộ gia đình đang tìm hiểu thị trường điện mặt trời mái nhà và có kế hoạch lắp đặt để sử dụng năng lượng sạch cả ngày lẫn đêm.

Mức đầu tư điện mặt trời mái nhà đã rẻ hơn trước rất nhiều trong khi chi phí tiền điện có xu hướng tăng cao vào các tháng cao điểm nắng nóng nên nhu cầu lắp hệ thống này tại các hộ gia đình “sốt” trở lại.

Lắp hệ hybrid có nhiều ưu điểm

Gia đình chị Đỗ Ngọc Thảo (quận 5, TP HCM) vừa bàn bạc xem có nên vay tiền ngân hàng để lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà trong thời điểm này không. Theo khảo sát của chị, hiện có rất nhiều công ty đang bán bộ giải pháp trọn gói, bao gồm tấm pin, bộ lưu trữ và các loại vật tư, thiết bị đi kèm.

“Em trai tôi muốn vay ngân hàng 200 triệu đồng, trả trong vòng 5 năm để lắp điện mặt trời và bộ lưu trữ. Các công ty tư vấn khá nhiệt tình nhưng gia đình vẫn cân nhắc liệu đầu tư có thật sự hiệu quả?” – chị Thảo băn khoăn.

Anh Huỳnh Thanh Mẫn (huyện Bình Chánh, TP HCM) cũng muốn lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để tiết kiệm tiền điện. Tháng 3-2024, khi chưa bước vào cao điểm nắng nóng mà tiền điện của gia đình anh đã tăng gấp 2 lần so với tháng trước đó, lên đến gần 4 triệu đồng. Với xu hướng thời tiết ngày càng cực đoan, nắng nóng gay gắt, dự kiến tiền điện tháng 4 này sẽ tăng tiếp.

Ông Thái Hoàng Phong, kỹ sư trưởng điện mặt trời của Công ty CP Kitawa, cho biết thời gian gần đây, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời tại TP HCM tăng mạnh do người dân ngày càng nhận thấy rõ hiệu quả tiết kiệm. Nhiều hộ gia đình không chỉ đầu tư hệ thống mới mà còn mở rộng công suất nhằm khai thác tối đa lợi ích từ nguồn năng lượng này.

Theo ông Phong, một tấm pin năng lượng mặt trời công suất 600 WP hiện có giá 1,9 – 2,5 triệu đồng. Với diện tích nhà khoảng 50 – 60 m², người dân có thể lắp hệ thống công suất 8 – 10 KWP, chi phí khoảng 100 triệu đồng (đã bao gồm công lắp đặt và chưa tính chi phí lắp giàn sắt). Để sử dụng điện vào ban đêm, bắt buộc phải đầu tư thêm hệ thống lưu trữ (pin tích điện) với giá 25 – 30 triệu đồng/bộ 5 KWP.

“Nếu lắp đặt đúng cách, hộ gia đình có thể tiết kiệm 65% – 80% chi phí điện mỗi tháng, tùy thói quen sử dụng. Sử dụng nhiều điện vào ban ngày – như hộ kinh doanh, văn phòng tại gia – thì sẽ thấy hiệu quả rõ rệt. Còn trường hợp chủ yếu dùng điện vào ban đêm mà không đầu tư hệ lưu trữ thì hiệu quả tiết kiệm sẽ giảm đáng kể” – ông Phong giải thích.

Đại diện cửa hàng Việt Nhật Energy (chuyên cung cấp pin năng lượng mặt trời) tư vấn: Với diện tích lắp đặt 40 m², cần khoảng 9 tấm pin, công suất 595 WP/tấm, tương đương hệ thống điện mặt trời tối đa 5 KWP. Với hình thức lắp hòa lưới bán tải, chi phí khoảng 8,5 triệu đồng/KWP, tức khoảng 45 triệu đồng/hệ 5 KWP. Nếu muốn tích trữ điện, người sử dụng cần chuyển sang hệ hybrid (hệ thống kết hợp tấm pin năng lượng mặt trời với bộ lưu trữ) với chi phí cao hơn – lên đến 15 triệu đồng/KWP, tức gần 80 triệu đồng/hệ 5 KWP lưu trữ.

“Nếu dùng 700 – 800 KWh điện/tháng thì cần 3 bộ pin lưu trữ tương đương 20 KWh, giá 18 triệu đồng/bộ, kéo theo đội chi phí lắp đặt lên khá cao. Tuy nhiên, lợi ích của hệ hybrid là trong trường hợp mất điện lưới, hệ thống vẫn duy trì cấp điện cho các thiết bị thiết yếu giống như máy phát điện” – đại diện cửa hàng Việt Nhật Energy phân tích.

Điện mặt trời mái nhà "sốt" trở lại - Ảnh 1.

Nhiều hộ gia đình lắp điện mặt trời mái nhà để giảm chi phí điện sinh hoạt hằng thángẢnh: Phương An

Sau tọa đàm “Năng lượng sạch và giải pháp tiết kiệm chi phí điện cho người dân, doanh nghiệp” do Báo Người Lao Động phối hợp Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) tổ chức ngày 10-4, Ban Tổ chức nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc. Trong đó, câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất là: Tiền điện hằng tháng ở mức nào thì nên lắp điện mặt trời mái nhà?

Ông Lưu Mạnh Thức, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng mặt trời SPC, cho rằng chỉ số điện tiêu thụ hằng tháng của hộ gia đình là cơ sở chính để cân nhắc có nên lắp điện mặt trời mái nhà không. Thông thường một gia đình ở TP HCM tốn 1,2 – 1,5 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, nếu có tủ lạnh và có người ở nhà. Phương án tối ưu là có thể lắp thiết bị điện mặt trời để tạo ra 600 – 720 KWh/tháng, giúp giảm được hơn 1 triệu đồng tiền điện, thời gian thu hồi vốn từ 4 – 5 năm.

Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, những gia đình sử dụng điện bậc 5 trở lên (trên 300 KWh/tháng, giá điện bậc 5 là 3.917 đồng/KWh) thì nên cân nhắc lắp điện mặt trời mái nhà. Công suất lắp đặt phù hợp với công suất và sản lượng điện tiêu thụ điện hằng tháng của hộ dân. Ví dụ, mỗi ngày dùng khoảng 20 KWh thì nên lắp khoảng 4 KWP điện mặt trời, bình quân phát điện khoảng 12 – 18 KWh. Những hộ ít dùng điện ban ngày mà chỉ tập trung dùng vào buổi tối thì nên lắp thêm bộ lưu trữ.

Nhu cầu và tiềm năng điện mặt trời mái nhà tại TP HCM rất lớn. Nếu như trước năm 2021, EVNHCMC ghi nhận toành thành phố có 14.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 350 MWP thì từ 2021 đến nay đã có thêm 532 hệ thống. Đây chủ yếu là các công trình điện mặt trời mái nhà doanh nghiệp, còn các hệ thống điện mặt trời mái nhà của các hộ gia đình thì chưa được ghi nhận.

Về quy định, ông Kiên cho biết hộ gia đình có sản lượng mặt trời mái nhà dư thừa có thể bán lại cho ngành điện tối đa 20% sản lượng hằng tháng. Thủ tục và điều kiện hỗ trợ dành cho hộ gia đình đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu hiện nay rất thuận lợi. Vấn đề còn lại là các hộ gia đình cân nhắc quyết định đầu tư dựa trên nhu cầu sử dụng, hiện trạng mái nhà, khả năng tài chính…

(Theo soha.vn)

Tiền điện mỗi tháng bao nhiêu thì nên lắp điện mặt trời mái nhà?

(NLĐO)- Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho hộ gia đình là một giải pháp đáng cân nhắc, đặc biệt với những gia đình có mức tiêu thụ điện cao.

Sau tọa đàm “Năng lượng sạch và giải pháp tiết kiệm chi phí điện” do Báo Người Lao Động phối hợp Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) tổ chức ngày 10-4, nhiều bạn đọc rất quan tâm đến việc lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để giảm chi phí điện hằng tháng. Thắc mắc lớn nhất của khách hàng là tiền điện ở mức nào thì nên đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để giảm chi phí hằng tháng?

– Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, trả lời: Tiền điện bình quân sử dụng hằng tháng là một trong những yếu tố để các hộ dân cân nhắc lắp điện mặt trời mái nhà.

Với hộ gia đình, nếu trong trường hợp có điều kiện, có mái nhà lắp điện mặt trời rất tốt. Nếu sản lượng điện sử dụng hằng tháng từ 300 kWh trở xuống là đang ở mức bậc 4 (2.860 đồng/kg). Gia đình sử dụng điện từ bậc 5 trở lên, giá trên 3.917 đồng/kWh trở lên thì nên cân nhắc lắp điện mặt trời mái nhà.

Tiền điện mỗi tháng bao nhiêu thì nên lắp điện mặt trời mái nhà?- Ảnh 1.

Lắp điện mặt trời mái nhà giúp các hộ gia đình giảm chi phí tiền điện hằng tháng

Công suất lắp đặt phù hợp với công suất và sản lượng điện tiêu thụ điện hằng tháng của hộ dân. Có thể tính bài toán đơn giản và nhanh là một ngày dùng khoảng 20 kWh thì nên lắp khoảng 4 kWp điện mặt trời, bình quân phát điện khoảng 12-18 kWh.

Trong trường hợp không sử dụng điện ban ngày mà chủ yếu tập trung vào buổi tối thì chúng ta nên lắp thêm bộ tích điện lưu trữ để sử dụng vào ban đêm. Chi phí đầu tư bộ lưu trữ tùy vào chất lượng, giá thành thì cũng từ 20 – 40 triệu đồng/bộ, phù hợp với hộ gia đình sử dụng khoảng 20 kWh/ngày.

* Người dân có thể tìm kiếm thông tin về giải pháp lắp đặt mặt trời và thiết bị lưu trữ ở đâu để bảo đảm sản phẩm, dịch vụ chất lượng, giá cả hợp lý ạ?

– Trên thị trường có nhiều đơn vị cung cấp giải pháp lắp đặt về mặt trời cho người dân. Đối với ngành điện, chúng tôi có trang web EVN solar, khách hàng có thể truy cập vào web để tìm kiếm đối tác phù hợp.

Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều đơn vị lắp đặt có nhiều kinh nghiệm, chúng ta có thể thuê họ để họ cung cấp giải pháp cho mình. Với sự hỗ trợ của các

đơn vị cung cấp giải pháp, hộ gia đình có thể triển khai lắp đặt điện mặt trời một cách thuận lợi.

* Về thủ tục, hộ gia đình có nhu cầu lắp điện mặt trời mái nhà thì cần thủ tục gì, đăng ký ở đâu?

– Việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho các hộ dân riêng lẻ được quy định rất là rõ trong Nghị định 58 năm 2025. Tại Điều 22 của Nghị định 58 nêu rõ việc lắp đặt là các hộ gia đình chủ động thực hiện.

Về mặt thủ tục, Điều 15 của Nghị định 58 nêu rõ trường hợp khách hàng không bán điện dư lên lưới phải thông báo cho các đơn vị quản lý như Sở Công Thương, điện lực, phòng cháy chữa cháy theo dõi và hướng dẫn theo quy định chuyên ngành. Trong quá trình rà soát nếu có bất cập thì các sở ngành sẽ phản hồi, nếu không hộ gia đình chủ động triển khai thực hiện.

(Theo nld.com.vn)

Chính thức duyệt khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời

Khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời được quy định theo dự án điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời nổi, theo miền và hệ thống có pin tích trữ hay không.

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt khung giá phát điện áp dụng cho loại hình nhà máy điện mặt trời. Căn cứ khung giá phát điện này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện ký kết hợp đồng mua bán điện theo quy định.

Theo đó, đối với nhà máy điện mặt trời mặt đất không có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.382,7 đồng/kWh; miền Trung là 1.107,1 đồng/kWh; miền Nam là 1.012 đồng/kWh.

Đối với nhà máy điện mặt trời nổi không có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.685,8 đồng/kWh; miền Trung là 1.336,1 đồng/kWh; miền Nam là 1.228,2 đồng/kWh.

Đối với nhà máy điện mặt trời mặt đất có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.571,98 đồng/kWh; miền Trung là 1.257,05 đồng/kWh; miền Nam là 1.149,86 đồng/kWh.

 Miền Bắc (đồng/kWh)  Miền Trung (đồng/kWh)  Miền Nam (đồng/kWh)
Điện mặt trời mặt đất không có hệ thống pin tích trữ 1.382,7 1.107,1 1.012
Điện mặt trời nổi không có hệ thống pin tích trữ 1.685,8 1.336,1 1.228,2
Điện mặt trời mặt đất có hệ thống pin tích trữ 1.571,98 1.257,05 1.149,86
Điện mặt trời nổi có hệ thống pin tích trữ 1.876,57 1.487,18 1.367,13

Đối với nhà máy điện mặt trời nổi có hệ thống pin tích trữ, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) cho khu vực miền Bắc là 1.876,57 đồng/kWh; miền Trung là 1.487,18 đồng/kWh; miền Nam là 1.367,13 đồng/kWh.

Các thông số của hệ thống lưu trữ điện (hệ thống pin tích trữ) sử dụng tính toán mức giá tối đa của khung giá phát điện loại hình nhà máy điện mặt trời có hệ thống pin tích trữ như sau: Công suất tối thiểu 10% công suất của nhà máy điện mặt trời; thời gian lưu trữ/xả là 2 giờ; tỷ trọng sản lượng điện sạc là 5% sản lượng nhà máy điện mặt trời.

Cũng trong ngày 10/4, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho loại hình thủy điện và nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí thiên nhiên năm nay.

Theo đó, giá phát điện cho loại hình nhà máy thủy điện tối đa là 1.110 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng).

Giá phát điện tối đa đối với loại hình nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí thiên nhiên là 3.069,38 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

(Theo dantri.com.vn)

Đóng điện thành công Công trình nâng cấp tuyến đường dây 110kV tại huyện Trảng Bom

(ĐN) – Vào lúc 19h54 ngày 1-4, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiệm thu và đóng điện thành công Công trình nâng độ cao pha đất và thay dây dẫn đường dây 110kV 172 Sông Mây – 171 Hố Nai.

 

Công nhân, kỹ sư điện kiểm tra kỹ thuật trước giờ đóng điện. Ảnh: Lò Văn Hợp

Công trình được khởi công xây dựng ngày 28-6-2024, với quy mô chiều dài tuyến mạch đơn hơn 3,3km, bắt đầu từ cột số 3 đến cột số 26 của tuyến đường dây, thay 14 trụ bê tông ly tâm hiện hữu bằng trụ thép… Tổng mức đầu tư là 9,8 tỷ đồng, từ nguồn vốn khấu hao cơ bản của công ty. Công trình nhằm nâng độ cao pha đất đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành.

Đường dây 110kV 172 Sông Mây – 171 Hố Nai nhận điện từ Trạm biến áp (TBA) 500kV Sông Mây, cấp điện cho TBA 110kV Hố Nai, đảm bảo cung ứng điện cho Khu công nghiệp Hố Nai và các vùng phụ cận. Đồng thời, liên kết hỗ trợ giảm tải giữa TBA 500kV Sông Mây và TBA 220kV Long Bình.

Đường dây này được đưa vào vận hành lần đầu tiên vào năm 2004, đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện Trảng Bom.

Theo (baodongnai.com.vn)

Giá điện tăng từ 2-5% EVN có thể được tự quyết trong 3 tháng/lần

Cơ chế điều chỉnh tăng giá điện 3 tháng/lần được Bộ Công Thương đề xuất lại trong báo cáo mới đây nhất gửi Chính phủ.

Giá điện tăng từ 2-5% EVN có thể được tự quyết trong 3 tháng/lần - Ảnh 1.

Bộ Công Thương có đề xuất mới nhất về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân – Ảnh: EVN

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn về dự thảo nghị định quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Dự thảo được hoàn thiện sau khi Bộ Công Thương lấy thêm ý kiến của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến bình quân lãi suất liên ngân hàng thời hạn 6 tháng để làm căn cứ tính toán mức lợi nhuận định mức cho tính toán lợi nhuận cho ngành điện.

Căn cứ tăng/giảm giá điện ở mức nào?

Sau khi chỉnh lý và hoàn thiện, dự thảo quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương xây dựng đưa ra nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, là hằng năm sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện, giá bán lẻ bình quân được xem xét điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu và việc phân bổ các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.

Cụ thể khi giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh giảm tương ứng. Khi giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh tăng.

Mức giá điện được tính toán theo quy định, song nếu giá điện bình quân nằm ngoài khung giá, chỉ được xem xét điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng quy định, EVN được điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán trong phạm vi khung giá.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân cần điều chỉnh cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Theo đó giá bán lẻ điện bình quân sẽ được xác định trên cơ sở chi phí các khâu phát điện, mua điện truyền tải, phân phối bán lẻ điện, điều độ vận hành hệ thống và điều hành giao dịch thị trường điện, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí điều hành quản lý ngành.

Ngoài ra còn có các khoản chi phí khác được phân bổ, và chỉ bao gồm những khoản chi phí phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, cung ứng điện của EVN.

Trong chi phí này cũng sẽ bao gồm lợi nhuận định mức hằng năm của EVN được tính dựa trên các khâu phân phối, bán lẻ điện, điều hành – quản lý ngành, các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu và nhà máy điện hạch toán phụ thuộc khác trong giai đoạn chưa tham gia thị trường điện cạnh tranh của EVN.

Ngoài ra là yếu tố tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu sẽ không thấp hơn bình quân theo ngày lãi suất liên ngân hàng thời hạn 6 tháng được Ngân hàng Nhà nước công bố.

Nới thẩm quyền EVN được tự quyết?

Sau khi có căn cứ tính toán, nếu giá bán lẻ điện bình quân giảm từ 1% trở lên so với giá bán lẻ hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá bán ở mức tương ứng và lập hồ sơ báo cáo EVN để kiểm tra, giám sát.

Nếu giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 2% đến dưới 5% so với mức giá hiện hành, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân báo cáo Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát và cho ý kiến để làm căn cứ cho EVN điều chỉnh giá. Như vậy, mức này thấp hơn so với quy định hiện hành là từ 3-5%.

Với mức tăng từ 5% trở lên đến dưới 10%, EVN được điều chỉnh tăng giá tương ứng sau khi báo cáo Bộ Công Thương và được chấp thuận. Với mức giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 10% trở lên, Bộ Công Thương kiểm tra rà soát lấy ý kiến cá bộ ngành liên quan, tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét cho ý kiến.

Tại dự thảo này, Bộ Công Thương giữ nguyên đề xuất về thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Trước đó, bộ này từng đề xuất điều chỉnh giá điện 2 tháng/lần nhưng sau phải rút đề xuất này và giữ nguyên mốc 3 tháng.

Trước đó khi góp ý cho phương án này, VCCI cho rằng nên cân nhắc lại về thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng để phù hợp với thời điểm tổng hợp số liệu.

Cũng bởi cơ chế điều chỉnh giá điện bình quân trong năm lại được lấy theo số liệu từng quý, tức 3 tháng thực hiện tổng hợp số liệu một lần. Việc tổng hợp số liệu theo quý này cũng phù hợp với thông lệ kế toán.

Theo NGỌC AN

tuoitre.vn

Điện mặt trời sẽ “bùng nổ” trong những năm tới

Đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện mặt trời tập trung dự kiến đạt khoảng 46.459-73.416 MW.

Liên quan tới Đề án Điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII, đại diện Bộ Công Thương cho biết tổng công suất nguồn điện phục vụ nhu cầu trong nước (không bao gồm xuất khẩu, nguồn đồng phát và nhiệt điện rủi ro) là 183.291-236.363 MW, tăng thêm khoảng 27.747-80.819 MW so với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt.

Điện mặt trời sẽ "bùng nổ" trong những năm tới- Ảnh 1.

Nguồn điện mặt trời sẽ phát triển mạnh trong những năm tới

Cụ thể: Nhiệt điện than 31.055 MW (chiếm 16,9%-13,1%), giữ nguyên so với Quy hoạch điện VIII (công suất tăng thêm do cập nhật gam máy thực tế của các nhà máy điện).

Nhiệt điện khí trong nước 10.861 MW (chiếm 5,9%-4,6%), giữ nguyên so với Quy hoạch điện VIII.

Nhiệt điện LNG 8.824 MW (chiếm 4,8% – 3,7%), giảm so với Quy hoạch điện VIII 13.576 MW do đánh giá các nguồn điện chậm tiến độ.

Thủy điện 33.294-34.667 MW (chiếm 18,2%-14,7%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII 4.560-5.275 MW.

Đáng chú ý, điện mặt trời (gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời áp mái) đạt 46.459-73.416 MW (chiếm 25,3%-31,1%), tăng lên so với Quy hoạch điện VIII từ 25.867-52.825 MW.

Ngoài ra, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác và điện địa nhiệt 2.979-4.881 MW (chiếm 1,6% – 2,1%), tăng lên so với từ 709-2.611 MW.

Lý giải nguyên nhân công suất nguồn điện mặt trời tăng mạnh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận nguồn điện này có ưu điểm triển khai nhanh, đáp ứng kịp thời khả năng cung ứng điện trong những năm 2026-2027.

Thực tế, điện mặt trời mái nhà đang là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp sản xuất triển khai khi chuyển đổi phát triển xanh.

Ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt, cho biết doanh nghiệp đang xây dựng hệ thống năng lượng tái tạo là điện mặt trời mái nhà để đảm bảo cung cấp cho nhà máy.

Theo tính toán, khi vận hành hệ thống điện mặt trời “tự sản-tự tiêu” sẽ giúp nhà máy tiết kiệm 40%-45% tiền điện mỗi tháng; đảm bảo nguồn năng lượng để phát triển nhà máy theo tiêu chí xanh, bền vững.

Theo Lê Thuý

Người lao động

Yêu cầu khẩn trương thi công trạm 110kV sân bay Long Thành

Ngày 3-11, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã kiểm tra tiến độ thi công trạm biến áp 110kV sân bay Long Thành và đường dây kết nối phục vụ sân bay.

Yêu cầu khẩn trương thi công trạm 110kV sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Kỹ sư đang thi công Trạm 110kV sân bay Long Thành – Ảnh: H.M.

Đây là dự án “Trạm 110kV sân bay Long Thành và đường dây đấu nối” có tổng mức đầu tư là 119 tỉ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Phần trạm biến áp được xây dựng với một máy biến áp với tổng dung lượng là 40MVA.

Phần đường dây gồm 2 mạch với tổng chiều dài 3,8km.

Điểm đầu được đấu nối chuyển tiếp từ khoảng trụ 09-10 đường dây 110kV Bình Sơn – Gò Dầu hiện hữu tới trụ cổng trạm.

Qua kiểm tra, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Nam đánh giá sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu tập trung thi công dự án điện nằm trong công trình trọng điểm quốc gia – sân bay Long Thành và yêu cầu phải đẩy nhanh thi công nhưng an toàn, chất lượng.

Theo Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai, đến nay giai đoạn một đã thi công trạm và phần đường dây đạt khoảng 70% khối lượng, bao gồm đấu nối dây, trụ móng, san nền, tường rào… Chủ đầu tư liên tục tổ chức giám sát, đôn đốc nhà thầu tiếp tục khẩn trương, huy động thêm nhân vật lực nhằm hoàn thành giai đoạn 1 của dự án và để đóng điện vào cuối tháng này.

Yêu cầu khẩn trương thi công trạm 110kV sân bay Long Thành - Ảnh 2.

Một góc dự án Trạm 110kV sân bay Long Thành – Ảnh: H.M.

Cũng theo Công ty TNHH một thành viên Điện lực Đồng Nai, giai đoạn hai của dự án này sẽ lắp máy biến áp thứ hai có dung lượng 40MVA (nâng tổng dung lượng của trạm biến áp 110kV Long Thành lên 80MVA) và sẽ nghiệm thu, đưa vào vận hành đầu quý 3-2025.

Dự án này hoàn thành sẽ cung ứng điện cho sân bay Long Thành được đảm bảo an toàn, liên tục khi sân bay đi vào hoạt động.

Theo (tuoitre.vn)

Điện mặt trời mái nhà: Từ giá “0 đồng” đến yêu cầu sửa Quy hoạch điện VIII

Điện mặt trời mái nhà mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân. Vì thế, thị trường này cũng nóng lên theo những đề xuất chính sách ở dự thảo nghị định đang được Bộ Công thương xây dựng.

Tháo “kìm” để người dân, doanh nghiệp tự dùng

Tại dự thảo nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công thương đề xuất tổng công suất lắp đặt nguồn điện này (nối lưới) không vượt quá 2.600 MW – do bị giới hạn trong Quy hoạch điện VIII.

Sau nhiều cuộc họp về dự thảo nghị định trên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đưa ra chỉ đạo xem xét, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đối với năng lượng mặt trời mái nhà ngay trong tháng 9, để điều chỉnh quy mô công suất với miền Bắc có thể lên tới 7.000 MW và tính toán lại khả năng huy động cho khu vực TP.HCM.

Điện mặt trời mái nhà: Từ giá "0 đồng" đến yêu cầu sửa Quy hoạch điện VIII- Ảnh 1.

Theo EVN, miền Bắc hiện có khoảng 700 MW điện mặt trời mái nhà, trong khi năng lực hệ thống có thể tiếp nhận khoảng 7.000 MW. (Ảnh minh hoạ)

Chỉ đạo mới của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giúp người dân, doanh nghiệp có nhu cầu lắp điện mặt trời mái nhà thở phào. Bởi lẽ, điều đó đúng với xu thế hiện nay khi đòi hỏi về chuyển đổi xanh ngày càng khắt khe mà chính doanh nghiệp không thể làm khác.

Đại diện một doanh nghiệp cho biết, chỉ đạo mới của Phó thủ tướng đã từng bước tháo “kìm” cho người dân, doanh nghiệp được lắp điện mặt trời mái nhà tự dùng.

“Sau khi chính sách khuyến khích phát triển nguồn điện này hết hạn từ năm 2021, nhiều doanh nghiệp vẫn phải lắp điện mặt trời mái nhà để đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Vì thế, con số 2.600 MW nhiều khả năng đã bị vượt nếu được tính các dự án chuyển tiếp đã lắp đặt trước đó”, vị đại diện doanh nghiệp bày tỏ.

Ông Đỗ Văn Năm, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tính toán, khi tự dùng điện mặt trời mái nhà, người dân sẽ tiết kiệm được điện vào giờ cao điểm.

Cùng với mức giá bán điện dư vào hệ thống thì sau khoảng 5-6 năm, hộ gia đình có thể thu hồi vốn đầu tư, trong khi thời hạn sử dụng của một tấm pin mặt trời hiện khoảng 12-15 năm.

Tại dự thảo mới nhất, Bộ Công thương đề xuất giá mua điện dư từ hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu mức gần 1.100 đồng/kWh, thay đổi từ mức giá đề xuất 671 đồng/kWh ở dự thảo trước đó, sau thời gian dài bộ này bảo lưu quan điểm mua giá “0 đồng” nhằm tránh trục lợi chính sách.

Vẫn còn loạt điểm vướng

Góp ý cho dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà, đại diện một chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói, mục tiêu của nghị định là nguồn điện để các cá nhân, tổ chức tự dùng nhưng các thủ tục hành chính còn quá rườm rà.

Đơn cử, trước khi đi đăng ký công suất với Sở công thương, doanh nghiệp đã phải đầu tư kinh phí vào bản vẽ thiết kế hay các hồ sơ phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường trong khi chưa biết sản lượng đăng ký đó có được cho phép thực hiện hay không do. Điều này sẽ làm mất thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Điện mặt trời mái nhà: Từ giá "0 đồng" đến yêu cầu sửa Quy hoạch điện VIII- Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp đã tự lắp đặt điện mặt trời mái nhà để đảm bảo tiêu chuẩn xanh. (Ảnh minh họa)

Do đó, theo vị này, nên xây dựng cơ chế “một cửa” trong việc xin cấp phép và kết nối vào lưới điện, đồng thời số hóa việc đăng ký và phê duyệt công suất qua hệ thống phần mềm trên máy tính.

Từ đó, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp cũng như giảm thiểu công việc không cần thiết cho các cơ quan thực thi cấp phép.

Vị đại diện cũng cho rằng, đây là loại hình tốt, có giá rẻ, do đó cần chính sách khuyến khích đa dạng. Tức là, bên cạnh các chính sách về thuế, cần nghiên cứu thêm các cơ chế khuyến khích khác như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật…

Một điểm quan trọng khác, theo vị này, cần phân tích và làm rõ các yếu tố từ điện mặt trời mái nhà ảnh hưởng đến lưới điện như thế nào và các biện pháp khắc phục.

Thực tế, điện mặt trời nói chung và điện mặt trời áp mái nói riêng đã chứng minh là nguồn điện rẻ nhất và dễ thực hiện nhất với hiệu quả công suất đầu ra cao.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc phân bổ “hạn ngạch” theo các tỉnh sẽ là một rào cản lớn để họ và người dân tiếp cận nguồn điện này.

Theo một chuyên gia năng lượng, về mặt quản lý hệ thống điện, việc giám sát và điều khiển điện mặt trời mái nhà từ trung tâm điều độ quốc gia có thể coi là “điểm mù” do chỉ có thể giám sát đến cấp trạm biến áp 110/22 kV trở lên. Trong khi đó, hệ thống điện mặt trời mái nhà lại ảnh hưởng từ cấp độ lưới điện hạ áp 0,4 kV.

Do đó, để giải quyết “điểm mù” này, theo kinh nghiệm từ các nước cho thấy cần phân cấp quản lý theo vùng và tăng cường sự tham gia của các công ty điện lực phân phối tỉnh/thành trong việc kiểm soát nguồn điện mặt trời phân tán…

Theo(baogiaothong.vn)