Ngành điện TP.HCM: Phát triển nguồn nhân lực trong thời đại số để trở thành doanh nghiệp số thành công

Ngành điện TP.HCM đang chủ động từ nhân lực, nguồn lực để trở thành một doanh nghiệp số thành công.

Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã xác định việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng, có tính quyết định trong việc phát triển doanh nghiệp số thành công.

100% lưới điện trung thế vận hành tự động

Theo kết quả đánh giá lưới điện thông minh các công ty điện lực trên thế giới năm 2022 do Tập đoàn Năng lượng Singapore (SP Group) thực hiện, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đạt 71,4 điểm. Với kết quả này, EVNHCMC xếp hạng 47/94 công ty điện lực trên thế giới, tăng 6 hạng so với năm 2021. Trong khối ASEAN, EVNHCMC tiếp tục xếp thứ 2, sau Công ty Điện lực Singapore (75 điểm, hạng 42/94), bằng điểm với Công ty điện lực TNB (Malaysia –71,4 điểm, xếp thứ 48), và xếp trên các công ty điện lực MEA, PEA (Thái Lan), Meralco (Philipine), PLN (Indonesia)

Đến nay, EVNHCMC là đơn vị ngành điện đầu tiên tại Việt Nam có lưới điện trung thế hiện đại với trên 860 tuyến đường dây được vận hành 100% hoàn toàn tự động.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), EVNHCMC đã xác định đội ngũ nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng, có tính quyết định trong việc phát triển doanh nghiệp số nâng cao.

EVNHCMC đã có nhiều chương trình và giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tập trung vào mục tiêu phát triển doanh nghiệp số, đơn cử như: Đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ quốc tế và khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, xây dựng TP thông minh, nhất là nguồn nhân lực được đào tạo về lưới điện thông minh, doanh nghiệp số, dữ liệu lớn (BigData), trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo, không gian lưới điện ngầm; đáp ứng nguồn lực tham gia thị trường điện cạnh tranh…

Đội ngũ lao động – nguồn vốn quý giá

Xác định rõ tầm quan trọng của nhân lực có tri thức, năm 2023, EVNHCMC luôn chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, xác định xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc với hiệu quả và năng suất cao.

Tiếp theo là xây dựng được đội ngũ làm công tác KHCN, đặc biệt là hình thành nhóm chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn – kỹ thuật tương đương với đội ngũ khoa học công nghệ của các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao và đề xuất những giải pháp khoa học, công nghệ mới.

EVNHCMC đã phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ quốc tế và khu vực, đáp ứng nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp số, đẩy mạnh các chương trình hiện đại hóa và xây dựng lưới điện thông minh. Từ đó, góp phần xây dựng đô thị thông minh, đồng thời, chuẩn bị tham gia thị trường điện cạnh tranh.

Lễ vinh danh và trao chứng chỉ kỹ sư ASEAN

Đến cuối năm 2023, tổng công ty đã có 6 tiến sĩ, 463 thạc sĩ, 76 chuyên gia, 291 công nhân lành nghề, 234 kỹ sư ASEAN (chiếm 36,6% trong tổng số 639 kỹ sư ASEAN của cả nước).

EVNHCMC đào tạo nguồn nhân lực để tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình hiện đại hóa – tự động hóa hệ thống điện TP.HCM và đạt được 100% các trạm 110 kV được giám sát và điều khiển từ xa theo chế độ không người trực; 100% lưới phân phối trung thế được Tự động hóa (DAS) và vận hành hiệu quả chức năng Mini/SCADA; 100% các trạm biến áp phân phối được giám sát, vận hành từ xa, bao gồm tính năng cảnh báo mất điện tức thời.

Triển khai áp dụng bộ tiêu chí ‘Người công nhân chuyên nghiệp ngành điện TP mang tên Bác’ được đào tạo bài bản và trang bị dụng cụ đồ nghề ứng dụng công nghệ số hiện đại, đáp ứng yêu cầu vận hành lưới điện thông minh, tự động hóa.

EVNHCMC cũng đã xây dựng văn hóa học tập chủ động, hỗ trợ môi trường học tập cho người lao động qua hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning, đào tạo tiếng Anh trực tuyến cho cán bộ quản lý, ứng dụng livestream kiểm tra an toàn trước khi triển khai công việc hàng ngày; Tổ chức và đưa vào hoạt động CLB đổi mới sáng tạo nhằm xây dựng văn hóa học tập mọi lúc mọi nơi, khuyến khích đẩy mạnh phong trào “không ngừng học tập để chuyển đổi số thành công”. Từ đó, đưa EVNHCMC trở thành doanh nghiệp số có văn hóa mạnh vào năm 2025.

EVNHCMC kỳ vọng đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao sẽ là nguồn lực then chốt giúp EVNHCMC hoàn thành Kế hoạch phát triển lưới điện thông minh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030 mà Đảng ủy EVNHCMC đã đề ra, với mục tiêu tập trung phát triển lưới điện thông minh theo chiều sâu.

Đồng thời, EVNHCMC cũng đặt mục tiêu tiếp tục phấn đấu trở thành doanh nghiệp số mức nâng cao, phấn đấu nâng hạng trong Top 50 các công ty điện lực có lưới điện thông minh trên thế giới.

EVNHCMC cho biết hiện nay chất lượng dịch vụ khách hàng ngày càng được hoàn thiện trên nền tảng hệ thống dịch vụ số đa kênh, trực tuyến cấp độ 4. EVNHCMC đang giải quyết giao dịch trực tuyến với tỉ lệ gần 100%; Tỉ lệ thu không sử dụng tiền mặt là 99,85% về khách hàng; Tỉ lệ lắp đặt công tơ đo xa đạt 100%….

Theo: (Baomoi.com)

Lo thiếu điện, EVN chỉ đạo mọi sửa chữa lưới điện phải xong trước 31.3

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có chỉ đạo các tổng công ty, công ty phải hoàn thành công tác sửa chữa lưới điện phân phối trước 31.3; hạn chế tối đa việc đăng ký sửa chữa lưới điện có ảnh hưởng đến cấp điện phụ tải, huy động nguồn trong các tháng cao điểm mùa khô…

Ảnh minh hoạ

Tại cuộc họp mới đây với các tổng công ty, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia về kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, lãnh đạo EVN đã đưa ra nhiều chỉ đạo liên quan nguồn cung điện vào mùa khô tới.

Cụ thể, lãnh đạo EVN yêu cầu 5 tổng công ty điện lực cần tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo phụ tải; làm việc chặt chẽ với khách hàng thực hiện chương trình điều hòa, điều tiết phụ tải hợp lý, tính toán huy động nguồn dầu diesel của khách hàng khi cần thiết.

Về công tác tuyên truyền, EVN yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền tiết kiệm điện để hoạt động này đi vào thực chất hơn nữa.

Về nguồn cung, lãnh đạo EVN cũng yêu cầu các các đơn vị phát điện tăng cường kiểm tra, giám sát các nhà máy điện. Đặc biệt, các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc phải đảm bảo độ khả dụng, độ tin cậy của các tổ máy, không được phép để xảy ra sự cố trong các tháng cao điểm mùa khô. Bên cạnh đó, Tập đoàn chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cần kiểm tra, rà soát, khắc phục ngay những khiếm khuyết trên lưới điện 220 – 500kV nếu có; chủ động, sẵn sàng các vật tư, thiết bị dự phòng cần thiết…

Theo: (thanhnien.vn)

Đồng Nai sẽ thành lập Ban chỉ đạo dự án điện

(ĐN) – Sáng 12-12, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị trực thuộc về công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án điện trên địa bàn tỉnh.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, Đồng Nai là một trong những địa phương sử dụng điện lớn của cả nước. Thời gian qua, nguồn cung ứng điện cho tỉnh đảm bảo, truyền tải điện an toàn.

Tuy nhiên, hiện tại một số lưới điện đã đầy và quá tải. Để khắc phục tình trạng này, đồng thời đáp ứng nhu cầu phụ tải của tỉnh đến năm 2025 (tăng thêm khoảng 400MW), cần bổ sung thêm nguồn, trạm trạm biến áp mới và lưới điện phân phối đồng bộ.

Tại buổi làm việc,  EVN, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực Miền Nam đã trình bày một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, dự án điện. Trong đó, liên quan đến nhóm dự án điện đang triển khai, sắp triển khai, cụ thể như: Dự án nguồn quan trọng là Nhà máy Thủy điện Trị An mở rộng, các dự án truyền tải điện cho dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Trọng tâm vướng mắc là đảm bảo phù hợp với các quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, đô thị; bồi thường giải phóng mặt bằng để các công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng việc cung cấp điện trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh, Đồng Nai hiện sử dụng điện lớn thứ 3 cả nước (sau Hà Nội, TP.HCM). Thời gian tới, tỉnh sẽ có thêm các dự án khu công nghiệp, sân bay, cảng biển… nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Để tháo gỡ các vướng mắc, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình điện, ngành điện chủ động làm việc với UBND cấp huyện để thực hiện các công trình, dự án đã được UBND tỉnh thỏa thuận vị trí trạm biến áp, hướng tuyến đường dây.

Đối với các công trình nhằm giải tỏa công suất cho dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, EVN báo cáo Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực xin chủ trương cho phép triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án đã phù hợp quy hoạch sử dụng đất, song song với việc trình điều chỉnh quy hoạch đô thị chung Nhơn Trạch. UBND tỉnh cũng sẽ có báo cáo Thủ tướng, Bộ Công thương.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở KH-ĐT hướng dẫn ngành điện thực hiện công tác chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với các dự án lưới điện theo quy định. Giao H.Vĩnh Cửu tập trung thực hiện bồi thường dự án mở rộng nhà máy thủy điện Trị An. Về việc thành lập ban chỉ đạo dự án điện, Sở Công thương phối hợp với EVN tham mưu nhân sự, chức năng nhiệm vụ để triển khai thực hiện thời gian tới.

Theo: (Baomoi.com)

Ông Trương Đình Quốc được bổ nhiệm làm Giám đốc Điện lực Đồng Nai

(ĐN) – Ngày 31-10, Tổng công ty Điện lực miền Nam công bố quyết định bổ nhiệm ông Trương Đình Quốc, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai thay thế cho ông Nguyễn Ngọc Thành nghỉ chế độ từ ngày 1-11-2023.

Ông Lê Văn Trang, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Nam trao quyết định cho ông Trương Đình Quốc, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai.

Thời gian giữ chức vụ của ông Quốc là 5 năm, kể từ ngày 1-11-2023.

Ông Trương Đình Quốc, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai trao quyết định bổ nhiệm ông Trần Thế Du

Tiếp đó, ngày 1-11, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai tiếp nhận và bổ nhiệm ông Trần Thế Du, Phó trưởng ban Tổng hợp Tổng công ty Điện lực miền Nam giữ chức Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai kể từ ngày 1-11-2023, thời gian giữ chức vụ là 5 năm.

Theo: (Baomoi.com)

Đóng điện TBA T3-1500kVA- Paulin Vina

Ngày 21/9/2023 NVRC đã phối hợp Cty GZL tổ chức nghiệm thu và đóng điện thành công trạm biến áp T3- 3 phase-1500kVA Công ty TNHH Paulin Vina- KCN Lộc an- Bình Sơn. NVRC trân trọng cảm ơn quý Công ty VRG đã hỗ trợ đóng điện và đặc biệt là Công ty TNHH Paulin Vina đã tin tưởng giao NVRC thực hiện thiết kế & thi công công trình này.

một số Hình ảnh thi công:

Nguồn Lực Nam Việt

Tăng tốc phát triển điện mặt trời mái nhà công sở

 

Thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, TPHCM sẽ có thêm nguồn điện mặt trời (ĐMT) trên mái các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, điều này sẽ góp phần tăng thêm nguồn cung điện cũng như tiết kiệm khá lớn cho ngân sách…

Điện năng lượng mặt trời được áp mái tại khu vực nhà máy cấp nước Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tiềm năng to lớn

Năm 2021, Sở Công thương đã trình UBND TPHCM phê duyệt Đề án mở rộng thí điểm đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà tại trụ sở của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM. Việc lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà các trụ sở công được thành phố xác định là phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ. Qua rà soát, thành phố có gần 1.800 cơ quan có thể lắp ĐMT với tổng công suất là 160MWp.

Theo số liệu khảo sát của Đề án quy hoạch phát triển điện lực TPHCM giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035, thì vào mùa khô, số giờ nắng lên đến khoảng 300 giờ/tháng (tháng 10); vào mùa mưa, số giờ nắng lên đến khoảng 150 giờ/tháng (tháng 3). Như vậy, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn thành phố là rất lớn, đặc biệt là ĐMT trên mái nhà. Đến nay, đã có một số cơ quan, đơn vị tiến hành lắp đặt thí điểm hệ thống ĐMT trên mái nhà như Sở KH-CN (công suất 20kWp), Sở Tài chính (công suất 20kWp), UBND quận Phú Nhuận (công suất 88kWp), UBND quận 12 (công suất 80kWp), UBND quận 10 (công suất 45kWp), UBND quận 4 (công suất 34,5kWp)…

Thông tin từ Tổng Công ty Điện lực TPHCM, tính đến hết năm 2022, thành phố mới có 14.151 hệ thống ĐMT mái nhà với tổng công suất hơn 355 MWp, chiếm khoảng 7% tổng công suất toàn hệ thống điện. Với sản lượng ĐMT mái nhà phát lên lưới năm 2021 đạt gần 300 triệu kWh, người dân và doanh nghiệp thu về khoảng 600 tỷ đồng. Trong khi đó, Sở Công thương TPHCM nhận định, thành phố là khu vực không có nguồn điện tại chỗ đủ lớn, nguồn chủ yếu là từ các khu vực lân cận.

Vì vậy, phát triển nguồn điện tại chỗ để cung cấp cho thành phố là rất hiệu quả và phù hợp với sự phát triển chung. Theo Đề án phát triển ĐMT mái nhà trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ lắp đặt khoảng 1.505 MWp, đạt 29,62% tổng tiềm năng ĐMT mái nhà, đáp ứng 13,60% nhu cầu công suất và 4,29% nhu cầu tiêu thụ điện năng toàn thành phố. Tổng vốn đầu tư cần khoảng 26.012 tỷ đồng.

Tháng 9 sẽ triển khai

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, lâu nay việc quản lý lắp đặt hệ thống ĐMT đối với các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM thực hiện theo quy định của Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 18/2020 của Bộ Công thương.

Cụ thể, bên thực hiện đăng ký đấu nối với ngành điện cung cấp các thông tin bao gồm địa điểm lắp đặt, quy mô công suất, đường dây tải điện, điểm đấu nối dự kiến. Ngành điện có ý kiến về khả năng đấu nối, truyền tải công suất để làm cơ sở hai bên ký thỏa thuận đấu nối. Sau khi thực hiện lắp đặt xong, đúng với nội dung đã thỏa thuận, gửi hồ sơ đến ngành điện để thực hiện kiểm tra kỹ thuật, ký hợp đồng mua bán điện và đóng điện đưa vào vận hành. Trường hợp phát hiện nội dung vi phạm pháp luật, ngành điện có trách nhiệm thực hiện tạm dừng kết nối với hệ thống điện, lập biên bản và báo cáo Bộ Công thương để xử lý theo quy định hiện hành.

Trao đổi với SGGP, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM nói, vấn đề mấu chốt hiện nay là các bên liên quan cần ban hành quy trình để hướng dẫn thực hiện, lắp đặt, thực thi chính sách một cách thuận lợi và nhanh chóng, đồng thời tháo gỡ các điểm vướng để phát triển ĐMT mái nhà theo Nghị quyết 98. Trong đó, có việc thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, xác định những vấn đề khi lắp đặt như mỹ quan, kiến trúc.

Đặc biệt, với cơ chế tài chính thực hiện, cần xác định rõ vốn đầu tư công hay đối tác công tư (PPP), lựa chọn đối tác lắp đặt, đấu thầu… Khi có quy trình rõ ràng, các đơn vị liên quan sẽ sớm thực hiện được cơ chế này, từ đó thành phố sẽ có thêm nguồn ĐMT mái nhà.

Lãnh đạo Sở Công thương cho biết, đang hoàn thiện và sẽ trình UBND TPHCM ban hành trình tự thủ tục triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà công sở trong tháng 8 này. Dự kiến thành phố sẽ thực hiện lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ tháng 9-2023.

Khoản 11 Điều 5 Nghị quyết 98 của Quốc hội về thúc đẩy phát triển ĐMT mái nhà nêu rõ: UBND TPHCM quyết định việc sử dụng mái nhà bảo đảm điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống ĐMT cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở đó. Phần điện còn thừa do không sử dụng hết, thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực. UBND TPHCM tổ chức thực hiện việc lắp đặt, quản lý hệ thống ĐMT bảo đảm các yếu tố phù hợp về mỹ quan, kiến trúc và các quy định của pháp luật về môi trường.

Có thể tiết kiệm 400 tỷ đồng/năm

Theo Tổng Công ty Điện lực TPHCM, chủ trương phát triển ĐMT mái nhà ở công sở là rất đúng đắn theo xu hướng phát triển. Lợi thế ở chỗ, công sở tận dụng các mái nhà hiện có. Ban ngày nắng nhiều ĐMT sẽ phát huy hiệu quả rất tốt, đồng thời đây cũng là thời điểm các cơ quan công sở sẽ sử dụng điện nhiều để làm việc. Theo tính toán, sau khi hoàn vốn, mỗi năm thành phố có thể tiết kiệm tới 400 tỷ đồng tiền điện. Tổng Công ty Điện lực TPHCM sẽ tư vấn về kỹ thuật, vốn đầu tư nếu có yêu cầu từ cơ quan hữu quan.

Theo:sggp.org.vn

Bộ Công Thương công bố Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 9/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị công bố các Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực năng lượng và khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.

Bảo đảm an ninh năng lượng
Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023.
Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng và ngành khai khoáng Việt Nam hiệu quả hơn, bền vững hơn phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và khả năng thực tế của đất nước cũng như xu thế phát triển của quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị.
Trong đó, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển năng lượng; ứng dụng những thành tựu của phát triển khoa học công nghệ trong phát triển tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực, phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ của thế giới; thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Hướng đến kinh tế xanh
Quy hoạch khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, cùng với việc phát triển năng lượng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được xem là những điểm nhấn nổi bật trong ba quy hoạch ngành về năng lượng.
Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ ập trung làm thật tốt công tác truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của Quy hoạch tới các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo đồng thuận xã hội, thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đề ra.
Khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các Kế hoạch thực hiện quy hoạch, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện; trong đó, cần xác định rõ các nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, bảo đảm các phương án Quy hoạch được triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn; Tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách liên quan, bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế, góp phần hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về lĩnh vực năng lượng và quản lý tài nguyên khoáng sản, nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa cho đầu tư hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt hiện đại, thông minh; phát triển năng lượng bền vững theo hướng xanh hóa, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với không gian, lợi thế so sánh của các vùng, địa phương, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương theo tiến hành rà soát, cập nhật các chủ trương, định hướng đề ra trong các quy hoạch ngành về năng lượng để điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào các quy hoạch ngành có liên quan và quy hoạch tỉnh, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông giữa các quy hoạch.
Bộ trưởng cũng đề nghị các tập đoàn, tổng công ty năng lượng như EVN, PVN, TKV… và các hiệp hội ngành nghề tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong quy hoạch; đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách khả thi và tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các quy định, chính sách liên quan đến lĩnh vực năng lượng, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa tăng cường sự quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.
Mục tiêu cơ bản của Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia
– Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030, khoảng 6,5 – 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050:
-Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 107 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 165 – 184 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.
– Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 155 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 294 – 311 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.
– Nâng tổng mức dự trữ xăng dầu cả nước (bao gồm cả dầu thô và sản phẩm) lên 75 – 80 ngày nhập ròng vào năm 2030. Định hướng sau năm 2030, xem xét tăng dần mức dự trữ lên 90 ngày nhập ròng.
– Về chuyển đổi năng lượng công bằng, đặt mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15 – 20% năm 2030 và khoảng 80 – 85% năm 2050.
– Tiết kiệm năng lượng khoảng 8 – 10% vào năm 2030 và khoảng 15 – 20% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường.
– Mức thải khí nhà kính khoảng 399 – 449 triệu tấn năm 2030 và khoảng 101 triệu tấn vào năm 2050. Mục tiêu cắt giảm khí nhà kính 17 – 26% vào năm 2030 khoảng 90% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường. Hướng tới đạt mức phát thải đỉnh vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất.

KHỞI CÔNG XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH ĐIỆN LỰC

Ngày 15/8/2023, Công ty Cổ phần Nguồn lực Nam Việt (NVRC) đã phối hợp với Điện lực Trị An trực thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC DongNai) tiến hành khởi công 02 dự án:

  • Dự án 1: “Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường dây trung thế 22kV để tăng khả năng cấp điện cho tuyến 474 ChangShin và tuyến 479 Xa Lộ”. Theo thiết kế, công trình sẽ thực hiện nâng cấp 819m đường dây trung thế 3 pha từ 2 mạch lên 3 mạch; nâng cấp 4.047m đường dây trung thế 3 pha từ 1 mạch lên 2 mạch, đồng thời xây dựng mới 1.423m đường dây trung thế 3 pha nổi và ngầm. Được biết đây là dự án rất quan trọng vì khi hoàn thành sẽ góp phần tăng khả năng cấp điện cho KCN Thạnh phú, cụm công nghiệp Thiện Tân, Công ty Changshin và phụ tải quan trọng là Nhà máy nước Thiện Tân (Cty Cấp nước Đồng Nai). Đặc biệt sẽ tạo mạch vòng 22kV liên kết các Trạm biến áp 110kV Tân Hòa, trạm 110kV Thiện Tân và trạm 110kV Tân An sắp đi vào hoạt động.
  • Dự án 2: “Cải tạo, nâng cấp đường dây trung hạ thế và trạm biến áp thuộc các xã Hiếu Liêm, Mã Đà, Vĩnh Tân, Trị An, Thạnh Phú, Thiên Tân, Bình Lợi, Thị trấn Vĩnh An thuộc huyện Vĩnh Cửu năm 2023” bao gồm xây dựng mới 2.772 mét đường dây trung thế 3 phase trên không, 762 mét 1 phase trung thế; lập mới 27 trạm biến áp 3 pha-180kVA và cải tạo 02 trạm biến áp 3P-160kVA; xây dựng mới 3.400mét đường dây hạ thế 3 phase cáp ABC sau các trạm biến áp. Khi hoàn thành sẽ góp phần phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh quốc phòng cho khu vực huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Tổng giá trị 02 công trình này hơn 25 tỷ đồng được trích từ nguồn vốn vay thương mại và khấu hao cơ bản của PC DongNai.

Dự kiến toàn bộ các công trình trên sẽ được NVRC thi công và hoàn tất trong năm 2023.

Gần 1.800 trụ sở công ở TP Hồ Chí Minh sẽ lắp điện mặt trời

Dự kiến tháng 9.2023, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà cơ quan, công sở. Việc này được đánh giá sẽ giúp TP Hồ Chí Minh có nguồn điện cung cấp tại chỗ và phù hợp với sự phát triển chung.

Công nhân Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Ảnh: Nam Dương

Bổ sung nguồn điện cho TP Hồ Chí Minh

Vào năm 2021, Sở Công Thương đã trình UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt đề án “Mở rộng thí điểm đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở công được thành phố xác định là phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ và TP Hồ Chí Minh.

Theo đề án, qua rà soát, có gần 1.800 cơ quan Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh có thể lắp điện mặt trời với tổng công suất là 160MWp.

Theo số liệu khảo sát của đề án quy hoạch phát triển điện lực TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 thì vào mùa khô số giờ nắng lên đến khoảng 300 giờ/tháng (tháng 10), vào mùa mưa số giờ nắng lên đến khoảng 150 giờ/tháng (tháng 3).

Có thể thấy, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là rất lớn, đặc biệt là điện mặt trời trên mái nhà.

Trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước đã có một số cơ quan, đơn vị tiến hành lắp đặt thí điểm hệ thống điện mặt trời trên mái nhà như Sở Khoa học và Công nghệ (công suất 20kWp), Sở Tài chính (công suất 20kWp), UBND Quận 4 (công suất 34,5kWp), UBND Quận 8 (công suất 22kWp); UBND Quận 10 (công suất 45kWp); UBND Quận 12 (công suất 80kWp); UBND Quận Phú Nhuận (công suất 88kWp)…

Triển khai đề án lắp đặt hệ thống điện mặt trời

Hiện TP Hồ Chí Minh đang phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng dự thảo Nghị định triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, trong đó có nội dung xây dựng trình tự thủ tục triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà công sở trình Thủ tướng Chính phủ để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Trao đổi về việc này, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh – cho biết, liên quan đến thời điểm thành phố triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thì theo Quyết định 2856 của UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương đã được phân công cùng các sở, ngành để xây dựng đề án lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.

“Hiện chúng tôi đang hoàn thiện và sẽ trình UBND thành phố ban hành trong tháng 8.2023. Dự kiến sẽ triển khai lắp đặt thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ tháng 9.2023” – bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết.

Bà Ngọc thông tin thêm, tác động của hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đối với môi trường chủ yếu là vấn đề pin thải. Theo Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 8/2022/NĐ-CP, đối với tấm pin năng lượng mặt trời đã đưa vào danh sách các sản phẩm buộc các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu phải thu hồi, tái chế để không gây ảnh hưởng đến môi trường. Việc đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, điện và mỹ quan kiến trúc thì trong đề án sẽ quy định các trách nhiệm đối với những cơ quan có liên quan.

Việc lắp đặt điện mặt trời trên các mái nhà trong thời gian qua được thực hiện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 18/2020 của Bộ Công Thương.

Theo đó khi các hộ dân, hộ kinh doanh gia đình có lắp đặt pin năng lượng mặt trời sẽ đăng ký với ngành điện. Các thông tin như địa chỉ, công suất, quy mô, đường truyền tải… ngành điện sẽ kiểm tra, thống nhất đấu nối. Sau đó sẽ ký hợp đồng mua bán điện và đóng điện đưa vào vận hành. Trong quá trình vận hành, ngành điện sẽ kiểm tra, theo dõi hoạt động các hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp phát hiện nội dung vi phạm pháp luật, ngành điện có trách nhiệm thực hiện tạm dừng kết nối với hệ thống điện, lập biên bản và báo cáo Bộ Công Thương để xử lý theo quy định hiện hành.

* Theo Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 14.210 dự án/hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất là 358,38 MWp, chiếm 7,82% so với công suất đỉnh năm 2021 (4.580 MW) của lưới điện thành phố.

Theo (laodong.vn)

Miễn giấy phép điện lực với doanh nghiệp lắp điện mặt trời mái nhà tự sử dụng

Bộ Công thương vừa trình báo cáo dự thảo quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mái nhà. Theo đó, các doanh nghiệp khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sử dụng sẽ được hưởng nhiều cơ chế chính sách từ nay đến năm 2025.

Tổng công suất điện mặt trời mái nhà lắp đặt theo dự thảo quyết định này trên toàn quốc được ưu tiên phát triển không giới hạn và thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt tại Quyết định 500 ngày 15.5.2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 500 nêu ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân, công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến 2030, công suất các nguồn điện loại này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện
Cơ chế khuyến khích và các yêu cầu theo dự thảo như sau: Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện.

Các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt vào hệ thống điện đã được đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối không phải thực hiện thỏa thuận đấu nối. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được lắp đặt trước đây đáp ứng là đối tượng của quyết định này thì được áp dụng quy định này.

Dự thảo quyết định cũng nêu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các biện pháp giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà hoặc thiết kế gói cho vay lãi suất ưu đãi. “Ưu tiên bố trí trước cho khu vực miền Bắc”, dự thảo nhấn mạnh.

Bộ Tài chính bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở, ưu tiên bố trí trước cho khu vực miền Bắc. Bộ Xây dựng đơn giản hóa các thủ tục cấp, miễn giấy phép xây dựng, thẩm định an toàn công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Bộ Công an đơn giản hóa thủ tục về phòng cháy chữa cháy. UBND các tỉnh thành phố có báo cáo Bộ Công thương về tình hình phát triển các hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn trước ngày 25.6 và 25.12 hằng năm.

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải xây dựng chương trình vận động, tuyên truyền người dân, các cơ quan công sở lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà để đặt mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mái nhà cho mục đích tự sử dụng.

Quyết định có hiệu lực từ ngày ký ban hành đến ngày 31.12.2025.

(Theo thanhnien.vn)