Dự án hạ ngầm lưới điện đô thị ở Đồng Nai mới đạt khoảng 19%

Theo Ban Quản lý dự án Điện lực miền Nam, dự án Cải tạo, nâng cấp lưới điện trung hạ thế khu vực trung tâm thị xã, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai (dự án hạ ngầm lưới điện) hiện mới triển khai đạt khoảng 19%.

Robot thi công ngầm hóa lưới điện đoạn đường vào Khu ICD Tân Cảng – Long Bình (TP.Biên Hòa)

Cụ thể, công trình có tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng để thực hiện hạ ngầm hơn 18km đường dây trung áp, hơn 76km đường dây hạ áp và 48 trạm biến áp tại các đô thị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại mới triển khai hạ ngầm được khoảng 19% đường dây tại TP.Biên Hòa. Nhiều khu vực đang vướng mắc khâu thỏa thuận mặt bằng và xin phép thi công.

Chủ đầu tư kiến nghị UBND tỉnh và TP.Biên Hòa thống nhất cho thực hiện hạ ngầm các tuyến trung thế xây dựng mới, các tuyến cáp ngầm theo thiết kế được duyệt để đảm bảo mỹ quan đô thị cho tỉnh. Đồng thời, UBND TP.Biên Hòa ban giao mặt bằng các tuyến đề xuất thay thế cho tuyến mà Công ty Điện lực Đồng Nai đã đầu tư, nâng cấp để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của chính phủ Đức.

(Theo Baomoi.com)

Trình lại Quy hoạch điện 8, Bộ Công Thương kiến nghị loạt vấn đề “nóng”

(Dân trí) – Bộ Công Thương vừa trình lại Đề án Quy hoạch điện 8 sau khi làm rõ nhiều nội dung theo yêu cầu của Chính phủ.
Tại tờ trình mới nhất, ngoài việc rà soát, làm rõ nhiều nội dung theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Thường trực Chính phủ thông qua một vấn đề “nóng”.

Thứ nhất là kiến nghị việc rà soát các dự án điện than, điện khí. Theo Bộ Công Thương, việc không đưa vào các dự án điện than, điện khí (14.120 MW nhiệt điện than, 1.500 MW nhiệt điện khí) đã được báo cáo rõ tại Văn bản số 412 (ngày 22/7/2022), phù hợp với đề nghị của các địa phương, kiến nghị của các chủ đầu tư. Do đó, Bộ Công Thương khẳng định, không có rủi ro về mặt pháp lý.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho biết, một số chi phí của các tập đoàn thuộc sở hữu Nhà nước đã bỏ ra để khảo sát, chuẩn bị đầu tư dự án, các tập đoàn có trách nhiệm xử lý theo quy định.

Thứ hai, về các dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 các dự án hoặc phần dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư, nhưng chưa vận hành với tổng công suất khoảng 2.428,42 MW.

Việc đẩy lùi các dự án này ra sau năm 2030, theo Bộ Công Thương có thể gặp phải những vấn đề về an ninh trật tự xã hội, rủi ro về mặt pháp lý và kinh phí đền bù cho các nhà đầu tư.

Theo Bộ Công Thương, việc đẩy lùi một số dự án điện mặt trời ra sau năm 2030 có thể gặp phải những vấn đề về an ninh trật tự xã hội, rủi ro về mặt pháp lý và kinh phí đền bù cho các nhà đầu tư (Ảnh: Dương Phong).

Tuy nhiên, Bộ cũng cho rằng các dự án này cần phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện. Đồng thời, tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt.

Sau này, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Liên quan đến cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Công Thương đề xuất và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành.

Các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ triển khai trong tương lai sẽ được áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như nêu ở trên, để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý với các dự án.

Còn các dự án đã được công nhận vận hành thương mại, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo để có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại Hợp đồng giữa EVN với các chủ đầu tư.

Đồng thời Bộ đề nghị Thủ tướng có quyết định bãi bỏ các Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Quyết định số 37 và Quyết định số 39 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió.

Về Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp rà soát, có ý kiến về thẩm quyền ban hành thí điểm cơ chế này để có cơ sở triển khai và thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Chính phủ xem xét thông qua cơ cấu nguồn đến năm 2030. Cụ thể, tổng công suất các nhà máy điện (đã tính thêm hơn 2.000 MW điện mặt trời đưa vào vận hành trước 2030) khoảng 120.995-148.358 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).

(Theo dantri.com.vn)

Tập đoàn điện lực Singapore cam kết đầu tư 12.000 tỉ đồng vào Việt Nam đến 2025

TTO – Trong cuộc trả lời báo chí ngày 11-5 tại TP.HCM, Tập đoàn điện lực SP Group (Singapore) cam kết đầu tư 750 triệu SGD, tương đương 12.000 tỉ đồng, vào các giải pháp năng lượng bền vững tại Việt Nam cho đến năm 2025.

Công ty CJ Vina Agri hợp tác với SP Group lắp đặt và vận hành hệ thống năng lượng mặt trời áp mái – Ảnh: SP GROUP

Ông Stanley Huang – giám đốc điều hành Tập đoàn SP Group – khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với SP Group. Chúng tôi cảm thấy được khích lệ bởi định hướng rõ ràng của Chính phủ Việt Nam trong 10 – 20 năm tới”, ông Huang nói với báo giới.

Theo giám đốc điều hành của SP Group, tập đoàn dự định hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam thông qua các giải pháp năng lượng bền vững tại các thành phố, quận, thị xã, cũng như khách hàng trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp.

Cụ thể, SP Group đặt mục tiêu đạt 1,5 GW về quy mô tiện ích và các dự án năng lượng mặt trời áp mái tính đến năm 2025. Trong đó, các công ty con thuộc quyền sở hữu của SP Group cam kết phát triển danh mục năng lượng tái tạo tại Việt Nam đạt mức 1.000 MW vào năm 2025.

Thừa nhận còn một thời gian rất ngắn trước cột mốc trên, tức chỉ khoảng 2,5 năm, nhưng ông Huang khẳng định đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi.

“Nói một cách nghiêm túc, chúng tôi nghĩ nhu cầu điện năng lượng mặt trời áp mái sẽ còn tăng, ít nhất tăng trưởng với cùng tốc độ của GDP, tức tối thiểu khoảng 6 – 7%/năm. Chính vì vậy, tôi cho rằng để đạt mục tiêu 1.000 MW vào năm 2025 hoàn toàn khả thi”, ông Huang nói.

Ông Brandon Chia – giám đốc khu vực Đông Nam Á và Úc, Giải pháp năng lượng bền vững, SP Group – cho biết 750 triệu SGD là con số ước tính ban đầu để phục vụ các mục tiêu trên của công ty cho đến năm 2025.

“Tuy nhiên sau năm 2025, tham vọng của chúng tôi có thể lớn hơn nữa và tăng trưởng cùng thị trường”, ông Chia nói, đồng thời lưu ý “con số đầu tư sau đó có thể tăng lên” vì SP muốn gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn.

Sử dụng năng lượng hiệu quả

Để hỗ trợ Việt Nam tốt hơn trong việc giảm phát thải ròng, ông Huang cho rằng hệ thống làm mát khu vực (district cooling) sẽ là giải pháp hiệu quả.

Hệ thống làm mát khu vực là hệ thống làm mát các cụm tòa nhà được kết nối bằng mạng đường ống với một hoặc nhiều nhà máy làm mát tầm trung. Theo SP Group, mô hình này đã giúp khu vực Marina Bay của Singapore tiết kiệm 30% năng lượng và giảm 20.000 tấn phát thải carbon mỗi năm, tương đương với việc giảm hoạt động của 18.000 ôtô.

SP Group đang tìm kiếm một dự án mang tính biểu tượng ở Việt Nam để làm bệ phóng cho dịch vụ công ty cung cấp.

“Nếu chúng tôi có mặt ở đây sớm hơn, chúng tôi có thể hợp tác với tòa nhà Landmark 81 để áp dụng hệ thống làm mát khu vực”, ông Huang nói.

Ngoài ra, vị giám đốc điều hành này khẳng định việc quản lý nhu cầu cũng quan trọng như quản lý nguồn cung trong mục tiêu giảm phát thải ròng.

“Chúng ta thường tập trung quản lý về nguồn cung, nhưng tôi cho rằng việc quản lý nhu cầu cũng rất quan trọng. Chúng ta phải làm sao khuyến khích áp dụng các giải pháp công nghệ để giảm lượng cầu, đồng thời gia tăng tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng”, ông nói.

SP Group là công ty vận hành lưới điện quốc gia của Singapore, một công ty điện lực hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tập đoàn này bước vào thị trường Việt Nam từ tháng 2-2021 với tên gọi SP Energy Vietnam.

Cuối tháng 3 vừa qua, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện SP Group để hợp tác triển khai lưới điện thông minh tại TP.HCM.

Hiện SP Group đã trở thành đối tác của Công ty năng lượng BCG Energy (thuộc BCG Group) và CJ ONS, công ty thành viên của CJ OliveNetworks (Hàn Quốc) tại Việt Nam…

(Theo tuoitre.vn)

Doanh thu từ điện mặt trời dưới 100 triệu đồng/năm không cần đăng ký hộ kinh doanh

Đó là nội dung vừa được Sở Công thương TP.HCM hướng dẫn và có ý kiến đối với các quận huyện, TP.Thủ Đức và Tổng công ty Điện lực TP.HCM về vấn đề này.

Ngày 3.3, Sở Công thương TP.HCM có công văn gửi các quận huyện và TP.Thủ Đức, Tổng công ty Điện lực TP.HCM về vấn đề đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình, cá nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP.

Theo đó, Sở đề nghị UBND các quận huyện và TP.HCM, Tổng công ty Điện lực TP.HCM là “không yêu cầu bắt buộc các hộ gia đình, cá nhân đầu tư điện mặt trời trên mái nhà có doanh thu bán điện cho ngành điện từ 100 triệu đồng/năm trở xuống trên địa bàn TP phải thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh”.

Trước đó, ngày 12.1.2022, Sở cho biết đã nhận được công văn 135 của Tổng công ty Điện lực TP.HCM về việc đăng ký kinh doanh điện mặt trời mái nhà, trong đó có nội dung: “Các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, hộ kinh doanh (hộ gia đình và cá nhân) có đăng ký bán điện cho EVN thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định luật Doanh nghiệp”.

Theo Sở Công thương, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và Thông tư hướng dẫn của Bộ Công thương trong năm 2020 là “không có quy định bắt buộc phải đăng ký kinh doanh khi thực hiện các thủ tục hợp đồng mua bán điện và đấu nối hệ thống…”. Tại Thông tư 40/2021 của Bộ Công thương ngày 1.6.2021 cũng quy định hộ kinh doanh, cá nhân có doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Thông tư 21/2020 của Bộ Công thương hướng dẫn trình tự thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực là chỉ cấp phép cho các dự án “phát điện có công suất lắp đặt đến 1MW để bán điện, các hộ gia đình và cá nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời có công suất đến 1MW được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực…

Ngoài ra, Sở Công thương cũng cho rằng, theo ý kiến của Sở KH-ĐT tại công văn 909 ngày 16.2.2022 cũng không có quy định hộ kinh doanh và cá nhân không kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và doanh thu từ 100 triệu đồng trở xuống bắt buộc phải đăng ký kinh doanh…

(Theo Thanhnien.vn)

Công đoàn Đồng Nai hỗ trợ 230.000 đoàn viên lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý trao quà, nhu yếu phẩm cho công nhân Công ty TNHH Emico, KCN Long Bình. Ảnh: Hà Anh Chiến

Dịch bệnh COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, thu nhập của đoàn viên và người lao động (ĐV&NLĐ). LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho ĐV&NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để ĐV&NLĐ an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chăm lo cho hơn 230.000 lượt ĐV&NLĐ với kinh phí chăm lo gần 82 tỉ đồng.

Lo nhu yếu phẩm để đoàn viên lao động “ai ở đâu ở đấy”

Bà Nguyễn Thị Như Ý – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết: Tổng LĐLĐVN, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều hướng dẫn, chính sách quan trọng để công đoàn Đồng Nai kịp thời hỗ trợ khẩn cấp cho ĐV&NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Các cấp công đoàn tỉnh Đồng Nai cũng đã và đang bám sát cơ sở, sát cánh ngày đêm chia sẻ đồng hành cùng ĐV&NLĐ.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý trao quà, nhu yếu phẩm cho công nhân Công ty TNHH Emico, KCN Long Bình. Ảnh: Hà Anh Chiến

Đến nay chương trình “Nghĩa tình Công đoàn” do LĐLĐ tỉnh Đồng Nai triển khai đã hỗ trợ nhu yếu phẩm (gạo, thịt, cá, rau củ…) cho trên 85.000 ĐV&NLĐ tại 45.000 phòng trọ trong các khu phong tỏa trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các công đoàn cơ sở cũng đã chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho 150.000 lượt ĐV&NLĐ.

Các cấp công đoàn trong tỉnh Đồng Nai đã hỗ trợ cho ĐV&NLĐ với kinh phí chăm lo gần 82 tỉ đồng. Trong đó, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 15 tỉ đồng, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã hỗ trợ cho ĐV&NLĐ gần 24 tỉ đồng. Ngoài ra, các công đoàn cơ sở cũng đã hỗ trợ khoảng 43 tỉ đồng.

Nhiều trường hợp ĐV&NLĐ nhận được hỗ trợ đã xúc động không cầm được nước mắt. Ông Nguyễn Văn Lơ làm công nhân Công ty TNHH Emico, KCN Long Bình, (ở trọ tại phường Long Bình, TP.Biên Hoà) đã thất nghiệp mấy tháng nay vì dịch bệnh COVID-19, xúc động cho biết: “Vợ chồng tôi đã lớn tuổi, đi làm công nhân nhưng chẳng may gần đây vợ tôi lại bị tai nạn lao động gãy tay không làm việc được. Một mình tôi gồng gánh lo cho vợ cho con, ngoài việc ở công ty thì buổi tối tôi còn đi rửa chén bát thuê, nhưng đến nay dịch bệnh xảy ra tôi thất nghiệp, mỗi tháng chỉ lãnh được hơn 1 triệu đồng, cuộc sống thực sự khó khăn”.

“Do địa bàn tỉnh Đồng Nai rất rộng, lực lượng lao động đông, LĐLĐ tỉnh đã cố gắng hết sức nhưng chắc chắn không thể bao quát hết. Sẽ còn những khu nhà trọ công nhân mà sự giúp đỡ của tổ chức công đoàn chưa kịp thời đến. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tiếp tục huy động tất cả các cán bộ công đoàn làm việc không quản ngày đêm, cập nhật danh sách những nơi công nhân cần hỗ trợ để làm sao các chính sách cho người lao động cũng như việc cung cấp hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân được kịp thời” – bà Như Ý cho biết thêm.

Lo chính sách tốt nhất cho ĐV&NLĐ trong thời gian nghỉ chống dịch

Cán bộ LĐLĐ tỉnh Đồng Nai vận chuyển nhu yếu phẩm tới các khu nhà trọ cho công nhân. Ảnh: Hà Anh Chiến

Ngoài ra, công đoàn cấp cơ sở cũng đã có nhiều hoạt động chăm lo cho ĐV&NLĐ. Ông Đặng Tuấn Tú – Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Mặc dù tình hình công ty rất khó khăn, công ty có gần 40.000 lao động, Ban chấp hành CĐCS Công ty chúng tôi cũng đã bàn bạc, thảo luận để cùng thương lượng với Ban giám đốc Công ty đưa ra nhiều chính sách có lợi nhất cho NLĐ. Theo đó, giữ được cho NLĐ mức lương ngừng việc tối thiểu là 170.000 đồng/ngày; Dịp 2.9 sắp tới dù doanh nghiệp rất khó khăn nhưng chúng tôi cũng vận động doanh nghiệp tiếp tục thưởng cho NLĐ để động viên tinh thần họ vượt qua dịch bệnh”.

Các tổ hỗ trợ COVID-19 trao quà cho công nhân trong khu vực bị cách ly, phong toả. Ảnh: Hà Anh Chiến

Còn tại CĐCS Công ty CP Taekwang Vina (KCN Biên Hoà 2) cũng đã phát động chương trình “Gửi trọn yêu thương” trao 2.000 phần quà để chăm lo cho ĐV&NLĐ khu vực bị cách ly, phong toả. “Chúng tôi mong muốn, trong hoàn cảnh khó khăn này, các ĐV&NLĐ luôn dành tình cảm yêu thương nhau để vượt qua đại dịch. Sau khi hết dịch, công nhân và công ty sẽ cùng nhau lao động sản xuất để phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn”, ông Đinh Sỹ Phúc – Chủ tịch CĐCS Công ty CP Taekwang Vina chia sẻ.

Theo thống kê, các CĐCS khối doanh nghiệp đã khẩn trương triển khai các gói hỗ trợ (tiền mặt, nhu yếu phẩm) cho NLĐ trên 140.000 công nhân lao động tại doanh nghiệp.

Niềm vui của công nhân khi nhận được sự hỗ trợ từ công đoàn cơ sở. Ảnh: Hà Anh Chiến

Hiện, tỉnh Đồng Nai có khoảng 1,3 triệu lao động. Trong đó, số đoàn viên công đoàn là hơn 700.000 người. Nhìn chung các doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giữ chân ĐV&NLĐ bằng các giải pháp như: thoả thuận bố trí ngày nghỉ hàng năm, trả lương ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, thoả thuận tạm hoãn hợp đồng với NLĐ…. Các doanh nghiệp khi xây dựng các phương án sử dụng lao động đều được hướng dẫn theo phương án tối ưu nhất để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Tổng LĐLĐVN đã trao gói hỗ trợ 15 tỉ đồng gồm 100.000 suất quà trị giá 150.000 đồng/suất cho tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, Tổng LĐLĐVN cũng đã trao gói hỗ trợ 10 tỉ đồng hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

(Theo laodong.vn)

Toàn cảnh ngành điện: Thủy điện gặp thời, nhiệt điện gặp khó, điện gió ‘lên ngôi’

(VNF) – Chi phí đầu tư năng lượng tái tạo vẫn trong xu thế giảm dài hạn, trong đó, chi phí trung bình của năng lượng điện gió trên bờ hiện đã thấp hơn điện mặt trời, thậm chí “đe dọa” cả thủy điện.

Toàn cảnh ngành điện: Thủy điện gặp thời, nhiệt điện gặp khó, điện gió ‘lên ngôi’

Thủy điện gặp thời

Các công ty thủy điện hầu hết đều có kết quả kinh doanh tốt trong 6 tháng đầu năm 2021 ở cả 3 miền do được hưởng lợi từ hiệu ứng La Nina diễn ra từ nửa sau năm 2020.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), doanh thu của các công ty này đã tăng từ 20% đến 90%.

“Do đặc điểm ngành điện đều sử dụng đòn bẩy hoạt động cao nên doanh thu tăng sẽ dẫn tới lợi nhuận tăng nhanh hơn. Lợi nhuận các công ty chúng tôi thống kê tăng tới 27% cho đến 240% như S4A với mức tăng doanh thu chỉ 27% nhưng tăng lợi nhuận sau thuế tăng tới 240%. Hay DNH là một doanh nghiệp thủy điện có công suất khá lớn với 735 MW đã có mức tăng doanh thu tới 68,5% và lợi nhuận sau thuế lên tới 143% trong 6 tháng đầu năm 2021”, phía VCBS cho hay.

VCBS nhận định thủy điện tiếp tục sẽ nhận được lượng nước tốt do hưởng lợi từ La Nina từ mùa mưa năm nay.

Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn của Đại học Columbia (IRI), xác suất xảy ra La Nina từ tháng 9 đến tháng 11 đã đạt khoảng 50%. Nhiệt độ bề mặt biển phía Tây Thái Bình Dương hiện tại đang cao hơn trung bình khoảng hơn 1 – 2oC, khi gió Đông và gió Đông – Nam hoạt động sẽ kích hoạt cho việc hoạt động của các xoáy thuận nhiệt đới, gặp bề mặt biển nhiệt độ cao sẽ được tiếp thêm năng lượng tạo thành các áp thấp nhiệt đới và bão. Trung tuần tháng 7 đã xảy ra mưa liên tục tại Trung Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Trịnh Châu với lượng mưa gần 600 mm/ngày, gần bằng lượng mưa cả năm.

Đối với Việt Nam, La Nina năm nay dự báo sẽ mang lại lượng mưa gần tương đương như năm 2020 và bắt đầu mưa lớn/rất lớn từ tháng 8 với sử ảnh hưởng của các áp thấp nhiệt đới/bão tập trung vào khu vực phía Bắc, Bắc Trung Bộ và di chuyền dần vào Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ trong tháng 9 và tháng 10.

Do đó, các thủy điện khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ có thể sẽ tiếp tục có một năm có lượng nước cao để duy trì hoạt động cho tận mùa khô sang năm.

Thủy điện khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng sẽ chứng kiến một năm tốt hơn khi năm nay mưa sớm hơn cùng kỳ.

Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý thủy điện hầu như đã hết tiềm năng kỹ thuật nên chỉ thực hiện một số dự án đã có trong quy hoạch 7 mở rộng và sau đó hầu như không phát triển thêm.

Nhiệt điện gặp khó tạm thời

6 tháng đầu năm nay, các công ty nhiệt điện hầu hết đều cho thấy sụt giảm doanh thu, lợi nhuận.

Cụ thể, tổng doanh thu các doanh nghiệp nhiệt điện theo thống kê sụt giảm 25% so với cùng kỳ, trong đó sụt giảm mạnh nhất là PPC do nhà máy Phả Lại 1 đã cũ kỹ, chi phí hoạt động cao và được huy động điện ít khiến doanh thu giảm 48%, lợi nhuận sau thuế giảm 37% dù đã được bù đắp bởi doanh thu tài chính cao. Các công ty còn lại đều có mức doanh thu sụt giảm từ 10% đến 25% và lợi nhuận sau thuế giảm rất mạnh, lên tới 45% – 76%.

Chỉ có QTP mặc dù doanh thu sụt giảm 15% nhưng lợi nhuận sau thuế gấp 15 lần cùng kỳ, chủ yếu là do công ty tiến hành giãn khấu hao trong năm 2020 và giảm chi phí lãi vay.

VCBS cho biết nhiệt điện hồi phục lại một phần trong tháng 6, tháng 7 do nhu cầu sử dụng điện tăng nhất là trong những ngày nắng nóng và La Nina sẽ hoạt động thấp hơn nửa cuối năm 2020.

Tuy nhiên, VCBS cảnh báo đây vẫn là một năm không khả quan đối với các công ty nhiệt điện, nhất là các nhà máy nhiệt điện khí phía nam với giá đầu vào gia tăng và sản lượng điện thấp, giá bán thị trường lại không cao, cùng với đó là nhu cầu sụt giảm do phong tỏa bởi Covid 19.

Điểm sáng chủ yếu ở một số doanh nghiệp hết khấu hao, lãi vay và phân bổ chênh lệch tỷ giá như PGV, QTP…

Mặc dù gặp khó tạm thời nhưng VCBS nhấn mạnh nhiệt điện vẫn là nguồn rất quan trọng trong cơ cấu nguồn điện đặc biệt là an toàn lưới điện khi có thể chủ động huy động trong lúc cần thiết để tăng tính ổn định của nguồn điện. Hiện nay nhiệt điện đang chủ yếu là nguồn chạy nền chính. Đây sẽ là nguồn dự phòng chính trong tương lai. Chính vì vậy, trong dự thảo Quy hoạch điện 8 vẫn đề cao vai trò này và gia tăng công suất các nguồn nhiệt điện song song với các nguồn năng lượng tái tạo.

Trong đó, nhiệt điện than vẫn là nguồn quan trọng nhất của Việt Nam với sản lượng trung bình năm chiếm hơn 50%. Đây vẫn là một nguồn chính với khả năng cung cấp than trong nước khoảng 35 – 40 triệu tấn/năm (đáp ứng 40% – 45% nhu cầu), phần còn lại nhập khẩu. Nguồn than nhập khẩu khá dồi dào từ Indonesia, Australia, Nam Phi hay Nga. Trữ lượng than trên thế giới hiện tại có thể đáp ứng khai thác thêm hơn 130 năm nữa. Công suất nhiệt điện than theo Dự thảo Quy hoạch điện 8 có tốc độ tăng bình quân đạt 3,5%/năm trong giai đoạn 2020 – 2045.

Công suất phát điện giai đoạn 2016 – 2020 phân theo từng loại hình sản xuất điện. Nguồn: VCBS

Với nhiệt điện khí, nhiên liệu cung cấp cũng gặp trở ngại về sụt giảm nguồn cung như đối với than và có phần khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn cực kỳ quan trọng trong hệ thống điện với đặc điểm là huy động nhanh và ổn định.

Với dự báo suy giảm nguồn khí, Quy hoạch điện 8 đã chuyển sang sử dụng nguồn LNG nhập khẩu với các nhà máy mới sử dụng LNG như Nhơn trạch 3&4, Trung tâm điện khí Sơn Mỹ, Cà Ná, Bạc Liêu, Long An…. Theo đó, vào năm 2045, nguồn điện khí sẽ có công suất cao nhất với 66.504 MW.

Tuy nhiên đây là nguồn nhiên liệu có giá cao, cần phải có các thiết bị, trung tâm hóa khí, kho chứa đặc biệt nên sẽ làm gia tăng giá thành sản xuất điện trong tương lai.

Điện gió ngày càng ‘hot’

Hiện rất ít các công ty năng lượng tái tạo niêm yết trên sàn, chỉ có một số công ty có hoạt động khác và phát triển thêm mảng năng lượng tái tạo như: ASM, HDG, LCG, GEG, TTA đều cho thấy mức doanh thu từ năng lượng tái tạo khá ổn định do giảm áp lực cắt giảm công suất.

Chi phí đầu tư năng lượng tái tạo vẫn trong xu thế giảm dài hạn mặc dù đã tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm 2021. Chi phí trung bình của năng lượng điện gió trên bờ hiện đã thấp hơn điện mặt trời.

Trên thực tế, nhu cầu tăng mạnh về đầu tư năng lượng tái tạo trên thế giới đã thúc đẩy sản xuất, tăng cường cải tạo công nghệ sản xuất và tăng lợi ích kinh tế theo quy mô giúp cho chi phí đầu tư các loại hình năng lượng tái tạo ngày một giảm và có đủ khả năng cạnh tranh với các loại hình năng lượng khác.

Trong đó, trong giai đoạn từ 2010 – 2020 đã chứng kiến chi phí đầu tư trung bình cho điện mặt trời giảm mạnh nhất từ hơn 4.700 USD/kW xuống chỉ còn hơn 800 USD/kW (giảm hơn 80%), trở thành loại hình có mức đầu tư thấp nhất/kW công suất.

Điều này có được là do thị trường tiêu thụ tăng mạnh, các công ty đẩy mạnh sản xuất để giảm giá thành và hiệu suất trung bình của module quang điện cũng tăng lên từ khoảng 10% lên 16% -18% năm 2020, đặc biệt là hiệu suất chuyển đổi từ quang năng sang nhiệt năng cao nhất đã lên tới 25,25% trong đầu năm 2021.

Điện gió ngoài khơi và trên bờ cũng chứng kiến mức giảm chi phí đầu tư đang kể với lần lượt là 31,5% và 30,5% trong giai đoạn 2010 – 2020. Đồng thời, hiệu suất cũng được cải thiện khá lần lượt từ 38% lên 40 – 45% và nhất là điện gió trên bờ từ trung bình 27% lên tới 36% nhờ cải thiện công nghệ Rotor có thể hoạt động trong khung vận tốc gió rộng hơn giúp tăng công suất 1 turbine lên đáng kể ngoài việc tăng độ dài cánh và trụ.

Theo số liệu của IRENA, chi phí trung bình của năng lượng giảm mạnh nhất đối với điện mặt trời , từ 37,8 cent/kWh năm 2010 còn 5,7 cent/kWh tại thời điểm cuối năm 2020 (giảm 85%). Chi phí này của điện gió trên bờ đã giảm thấp hơn cả thủy điện trong năm 2021 với 3,9 cents/kWh so với 4,4 cents/kWh. Chi phí của điện gió ngoài khơi vẫn còn cao nhưng cũng giảm đáng kể với 8,4 cent/kWh năm 2020 (giảm 48%).

Điều này có được chủ yếu là nhờ giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý vận hành và tăng hiệu suất của các loại hình điện.

Theo nhận định của VCBS, giảm tỷ lệ cắt giảm công suất nhờ đầu tư hệ thống truyền tải sẽ giúp các dự án điện mặt trời cải thiện hiệu suất hoạt động. Mặc dù vậy, tình trạng dư thừa công suất cục bộ vẫn cần thời gian để giải quyết.

“Công suất tăng thêm của mảng điện mặt trời sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách giá điện trong thời gian tới và có thể sẽ theo cơ chế đấu thầu. Tuy nhiên, sẽ cần thời gian dài hơi hơn để có một cơ chế tốt nhất để tránh việc đầu tư ào ạt, phá vỡ quy hoạch, gây ra sự bất cân đối nguồn điện khiến cho nhiều dự án bị giảm phát do quá tải đường dây. Với việc dư cung trong ngắn hạn, chúng tôi ước tính ít nhất cho tới hết năm 2022 vẫn chưa phát triển thêm các dự án điện mặt trời”, chuyên gia của VCBS dự báo.

Trong khi đó, cuộc đua điện gió trước ngày 1/11/2021 sẽ giúp công suất điện tăng thêm hơn 6.000 MW, chiếm gần 10% công suất hệ thống. Với giá FIT hiện tại, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) của các dự án có thể đat 15%-18%, đem lại hiệu quả rất cao nếu được phát hết công suất. Như vậy các công ty hoàn thành kịp các dự án điện gió đúng hạn sẽ là các công ty đáng chú ý với mức sinh lời tốt.

Các công ty này hiện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trước những khó khăn về vận chuyển, pháp lý hay mặt bằng…

Giá FIT 1 cho điện gió ở mức 9,8 cent/kWh và 8,5 cent/kWh tương ứng với điện gió ngoài khơi và trên bờ.

Theo dự thảo Quy hoạch điện 8, năng lượng tái tạo không kể thủy điện sẽ chiếm phần lớn trong cơ cấu nguồn điện năm 2045 với 115,7 GW (tương ứng 42% cơ cấu nguồn điện).

Điện gió chiếm 22% tổng công suất nguồn với hơn 60 GW năm 2045. Trong đó, điện gió trên bờ đạt hơn 39,6 GW và điện gió ngoài khơi chỉ chiếm 21 GW trong khi đây là nguồn khá là ổn định, có thể thay thế các nguồn điện than hay thủy điện.

Các loại hình năng lượng tái tạo khác như Biomass, điện rác… vẫn sẽ được trú trọng. Tuy nhiên sẽ không chiếm nhiều công suất do nhiều hạn chế về nguyên vật liệu, công nghệ…

VCBS đánh giá cao triển vọng các doanh nghiệp điện có các đặc điểm sau: phát triển dự án điện gió có thể chạy thương mại trước 1/11/2021 và nằm trong khu vực được đầu tư mạng lưới truyền tải tốt, không bị cắt giảm công suất; xây dựng công trình năng lượng, mạng lưới truyền tải điện, đặc biệt là phục vụ cho điện gió; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà máy điện.

Dựa trên cơ sở trên, VCBS lựa chọn cổ phiếu PC1, TV2 và REE với kỳ vọng đưa vào vận hành các dự án điện gió trong năm 2021 tạo tiền đề tăng trưởng cho các năm tiếp theo.

(Theo vietnamfinance.vn)

EVN giảm giá điện, giảm tiền điện lần 3 cho 11.614 khách hàng

(VTC News) – Tính đến 30/6/2021, EVN giảm giá điện, giảm tiền điện cho 11.614 khách hàng với tổng số tiền giảm là 118,557 tỷ đồng.

EVN cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; nhu cầu điện tăng trưởng cao do các tỉnh miền Bắc, miền Trung trải qua giai đoạn thời tiết nắng nóng rất khắc nghiệt khi nhiệt độ nhiều nơi cao hơn 40 độ C trong khi mực nước nhiều hồ thủy điện lớn ở phía Bắc đang xuống thấp vào cuối mùa khô, nguy cơ sự cố do quá tải và ảnh hưởng đến tình hình cung cấp điện, nên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ.

EVN và các đơn vị đã có nhiều cố gắng nỗ lực đảm bảo cung cấp điện, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của cả nước và sinh hoạt của nhân dân. Đảm bảo các sự kiện chính trị xã hội quan trọng, đặc biệt là cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội toàn quốc khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

EVN HCMC luôn đảm bảo cung cấp điện.

Trong các tháng đầu năm 2021, EVN đã đảm bảo tăng cường cấp điện cho các bệnh viện, cơ sở y tế và các khu vực cách ly tập trung phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tập đoàn và các đơn vị cũng đã phối hợp với với chính quyền và nhân dân các địa phương và phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương tiến hành 3 đợt xả nước, cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2020 – 2021 cho các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Trong tháng 6/2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 23,9 tỷ kWh, tăng 8,6% so với tháng 6/2020. Sản lượng điện sản xuất bình quân đạt 796,7 triệu kWh/ngày, trong đó sản lượng ngày lớn nhất đạt 880,3 triệu kWh (ngày 1/6), công suất phụ tải lớn nhất đạt 42.146 MW (ngày 21/6).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 128,51 tỷ kWh, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tỷ trọng sản lượng huy động của một số loại hình nguồn điện chính trên tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống như: Thủy điện huy động đạt 30,46 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 23,7%; nhiệt điện than huy động đạt 66,67 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 51,9%; tua bin khí huy động đạt 15,66 tỷ kWh, chiếm tỷ tọng 12,2%; năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) huy động đạt 14,69 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 11,4%; điện nhập khẩu đạt 624 triệu kWh, chiếm tỷ trọng 0,5%; nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 02 triệu kWh.

Trong 6 tháng năm 2021, điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 64,39 tỷ kWh, chiếm 50,11% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Trong đó, tổng sản lượng điện của các nhà máy điện do EVN sở hữu 100% vốn (không tính EVNGENCO3 và các công ty cổ phần) đạt 37,63 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 29,28%. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN trong 6 tháng ước đạt 111,75 tỷ kWh, tăng 8,36% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng điện truyền tải tháng 6/2021 đạt 18,37 tỷ kWh, trào lưu truyền tải chủ yếu theo hướng Trung – Bắc và Trung – Nam. Lũy kế 6 tháng năm 2021, sản lượng điện truyền tải đạt 102,1 tỷ kWh, tăng 1,9% so cùng kỳ năm trước.

Tính đến hết tháng 6 năm 2021 trên toàn quốc, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt gần 70%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không bằng tiền mặt đạt khoảng 91%.

Nhờ việc cung cấp nhiều tiện ích hỗ trợ khách hàng sử dụng điện (theo dõi sản lượng điện hàng ngày, công cụ ước tính lượng điện năng tiêu thụ) và nâng cao tính minh bạch trong công tác ghi chỉ số (lắp đặt công tơ điện tử, áp dụng công cụ rà soát chỉ số bất thường), số lượng giải quyết yêu cầu của khách hàng liên quan đến chỉ số công tơ và hóa đơn tiền điện trong 06 tháng đầu năm đã giảm mạnh, chỉ chiếm 3% tổng số yêu cầu.

Tính đến hết 30/6/2021, EVN đã giảm giá điện, giảm tiền điện lần 3 cho 11.614 khách hàng với tổng số tiền giảm là 118,557 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị EVN đã rất nỗ lực, tập trung thúc đẩy tiến độ các dự án về đầu tư xây dựng. Đối với các dự án nguồn điện: EVN và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đã ký thoả thuận tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 74,7 triệu Euro (tương đương 1.900 tỷ đồng, chiếm 30,8% tổng mức vốn đầu tư cho dự án) cho dự án nhà máy thuỷ điện Ialy mở rộng; ký hợp đồng gói thầu số 15 (EPC-QTI) trị giá khoảng 30.236 tỷ đồng và ký hợp đồng tín dụng vay vốn dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch.

Đối với các dự án lưới điện, lũy kế 6 tháng năm 2021 đã khởi công 64 công trình; hoàn thành đóng điện 64 công trình lưới điện 110-500 kV, trong đó đã đóng điện các dự án lưới điện quan trọng gồm: đường dây 500 kV Mỹ Tho – Đức Hòa, đường dây 220 kV Phả Lại nhánh rẽ Hải Dương, đóng điện máy 2 trạm biến áp 220 kV Thanh Nghị, đóng điện cải tạo đường dây 110 kV Hóc Môn – Bà Quẹo (đoạn Bình Tân – Bà Quẹo), đóng điện trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và đóng điện đường dây 500 kV Dốc Sỏi – Pleiku 2 (thuộc dự án đường dây 500 kV mạch 3).

Để đảm bảo đáp ứng yêu cầu vận hành an toàn, liên tục hệ thống điện quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách, ứng phó với diễn biến phức tạp của đợt dịch bệnh COVID-19 mới từ ngày 27/4 trở lại đây.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò, trách nhiệm tiên phong của doanh nghiệp Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chính trị – xã hội đối với cộng đồng trong bối cảnh đại dịch COVID-19, EVN đã ủng hộ 400 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 (trong đó đã bao gồm cả 30 tỷ đồng mà EVN đã trao tặng tại Bộ Y tế vào ngày 28/5/2021). Đến nay, tổng số tiền EVN và các đơn vị thành viên đã đóng góp, ủng hộ cho các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề cũng như hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch của ngành Y tế đối với riêng đợt dịch COVID-19 từ cuối tháng 4 trở lại đây là gần 430 tỷ đồng.

(Theo VTC News)

Tiêu thụ điện lập kỷ lục mới, EVN khuyến cáo bật điều hoà ở mức 27 độ trở lên.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), diễn biến thời tiết nắng nóng cực đoan diện rộng ở miền Bắc và miền Trung từ 16/6 đã khiến lượng tiêu thụ điện tăng cao kỷ lục. Số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) cho thấy, trưa ngày 21/6, công suất tiêu thụ điện toàn quốc đạt mức đỉnh mới, 42.146 MW, tăng 437 MW so với mức “đỉnh” vừa lập cách đây 3 ngày. Đặc biệt, tại khu vực miền Bắc, công suất đỉnh mới là 18.700 MW, tăng 200 MW so với ngày 18/6. Ở Hà Nội, mức công suất đỉnh cũng đạt 4.700 MW. 

(Ảnh EVN)

Theo đó, EVN tiếp tục khuyến cáo người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối (11h30 -15h00, và 20h00 – 23h00) nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như trong gia đình. EVN cũng khuyến cáo sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn, do khi nhiệt độ càng thấp, máy điều hoà càng tiêu thụ nhiều điện. Đợt nắng nóng gay gắt này bắt đầu từ ngày 16/6. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 37 – 40 độ, có nơi trên 40 độ. Dự báo, từ ngày 23/6, nắng nóng mới suy giảm.

(Theo EVN)

EVN miền Nam lưu ý cách sử dụng điện hiệu quả mùa nắng nóng

Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) khuyến cáo, đối với thiết bị điện dân dụng gia đình cần vệ sinh chùi rửa, bôi dầu nhờn theo mùa như quạt điện, quạt hút… làm vệ sinh máy lạnh, quạt thông gió.

Kiểm tra toàn bộ hệ thống dây diện trong gia đình, nếu phát hiện mối nối phải xử lý ngay để tránh tình trạng phát nhiệt, có nguy cơ xảy ra cháy nổ. Nếu dây diện quá nhỏ cần thay ngay để phù hợp với phụ tải.

Khi sử dụng phòng lạnh, không nên mở cửa ra vào thường xuyên, không sử dụng các thiết bị điện có tính năng tỏa nhiệt trong phòng như bàn ủi, lò nướng, ấm điện, điện trở nấu nước nóng…

Gia đình có nhiều phòng, khi xem TV nên tập trung xem cùng nhau, tắt đèn để màn hình được nét và đủ độ sáng. Tắt hết các thiết bị ở các phòng lân cận. Chỉ sử dụng điện khi thật cần thiết, tránh sử dụng đồng loạt các thiết bị vào khung giờ cao điểm…

EVNSPC có kế hoạch ưu tiên cấp điện cho những khách hàng trọng điểm trường hợp mất điện đột xuất. Ảnh: EVNSPC.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kiểm tra hệ thống thông gió, làm mát. Nên sử dụng ánh sáng giếng trời, gió thông thoáng tự nhiên để làm sạch và khô ráo nhà xưởng. Vệ sinh các thiết bị máy móc, thiết bị sử dụng điện, nhà kho, kho đông… kiểm tra bảo trì bảo dưỡng định kỳ mùa khô. Sử dụng điện như đã cam kết với ngành điện về phụ tải và khung giờ đã đăng ký hoặc hạ công suất khi có yêu cầu của ngành điện do phụ tải tăng đột ngột…

Khi mua sắm các thiết bị mới, chú ý sử dụng các thiết bị có dán nhãn công nhận tiết kiệm năng lượng của Bộ công thương. Tuyên truyền, khuyến cáo các hộ xung quanh cùng thực hiện những khuyến cáo của ngành điện.

Riêng đối với điều hòa nhiệt độ, theo chuyên gia kỹ thuật, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2% đến 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 5 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. Do đó, mặc dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều.

EVNSPC chủ động xây dựng các phương án để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho khách hàng. Ảnh: EVNSPC.

EVNSPC cũng khuyến cáo mọi người nên chủ động và có động thái tích cực trong tiêu dùng điện, tránh chủ quan, lơ là trong việc sử dụng điện và không hiểu nhầm giữa giá điện với số điện điện tiêu thụ.

Cụ thể, để trực tiếp theo dõi và so sánh chỉ số điện tiêu thụ hàng ngày, hàng tháng, khách hàng sử dụng điện tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam có thể tải ứng dụng CSKH EVNSPC trên kho dữ liệu App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android).

Khi phát hiện có bất thường về số lượng điện tiêu thụ điện hoặc bất kỳ thắc mắc nào về điện, khách hàng có thể liên hệ ngay đến trung tâm chăm sóc khách hàng của ngành Điện miền Nam qua số tổng đài 19001006 – 19009000. Khách hàng tại các tỉnh phía Nam có thể tương tác qua trang web Chăm sóc khách hàng https://cskh.evnspc.vn/ để tra cứu các thông tin lịch ghi điện, chỉ số điện tiêu thụ, hóa đơn tiền điện, thông tin vận hành, biểu đồ phụ tải, thông tin mất điện, dịch vụ điện trực tuyến và các hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả…

Để chuẩn bị tốt công tác giải quyết thắc mắc hóa đơn tiền điện vào thời điểm mùa khô, nắng nóng sắp tới, EVNSPC đã tăng cường lực lượng điện thoại viên; thiết lập hệ thống liên lạc qua email, Zalo… nhằm kịp thời xử lý bức xúc của khách hàng.

EVNSPC cũng chủ động đưa ra phương án đảm bảo cung cấp điện liên tục cho khách hàng; có kế hoạch ưu tiên cấp điện cho những khách hàng trọng điểm trường hợp mất điện đột xuất; thực hiện nghiêm túc quy trình ngừng giảm cung cấp, thông báo lịch tạm ngưng cung cấp điện đúng quy định.

Để khách hàng có thông tin rõ ràng, đối chiếu với thực tế hoạt động ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện của điện lực, EVNSPC chỉ đạo 21 Công ty Điện lực thành viên tuân thủ nghiêm quy trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện. Cụ thể: niêm yết công khai lịch ghi chỉ số, đảm bảo khách hàng có thể giám sát được. Ngày ghi chỉ số công tơ khách hàng đúng với lịch ghi chỉ số đã lập; với khách hàng ghi thủ công (không qua thiết bị thu thập dữ liệu tự động), nhân viên đến địa điểm sử dụng điện của khách hàng và ghi nhận sản lượng, kiểm tra tại chỗ 100% trường hợp có tăng giảm hơn 30% so với kỳ trước.

Trường hợp công tơ đo đếm đặt trong phạm vi khách hàng quản lý, sau 2 lần đến không ghi được chỉ số, cho phép đơn vị tạm tính điện tiêu thụ bằng tháng trước hoặc chỉ số công tơ khách hàng tự báo, nhưng không được quá 2 chu kỳ liên tiếp. Trường hợp thu thập số liệu tự động (qua hệ thống đo ghi từ xa,..) nếu không thu thập được số liệu, bộ phận GCS báo cáo lãnh đạo đơn vị và tiến hành khắc phục trong tối đa 48 giờ.

EVNSPC cũng yêu cầu các công ty Điện lực thành viên thực hiện nghiêm quy định của ngành điện (EVN) là thiết lập các ngưỡng kiểm soát trong quy trình xác nhận số liệu, lập hoá đơn tiền điện. Khi ghi điện, nếu phát hiện sản lượng tăng trưởng quá cao, vượt ngưỡng được thiết lập thì sẽ không cho xác nhận kết quả tính để lập hóa đơn. Chỉ khi nào lãnh đạo đơn vị tổ chức kiểm tra số liệu đã được ghi chính xác và ký xác nhận điện tử số liệu trên chức năng của chương trình quản lý khách hàng sau khi kiểm tra thì mới thiết lập hóa đơn, không để xảy ra số liệu hóa đơn không phù hợp với chỉ số tiêu thụ từ công tơ.

Các trường hợp phản ánh về hoá đơn tiền điện đến Trung tâm Chăm sóc khách hàng, đặc biệt vào các ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính phải được chuyển đến lãnh đạo của đơn vị điện lực để kịp thời giải quyết.

EVNSPC yêu cầu các công ty Điện lực thành viên thực hiện nghiêm quy định của ngành điện. Ảnh: EVNSPC.

Đại diện EVNSPC cho biết, thời tiết khu vực các tỉnh thành phía Nam bắt đầu bước vào cao điểm mùa khô. Những ngày đầu tháng 3, miền Nam thời tiết chuyển sang oi bức, nắng nóng, nhiệt độ lên cao từ 36-37 độ C. Đài khí tượng thủy văn quốc gia dự báo khả năng nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng, từ nay đến tháng 4, có khả năng xảy ra tình trạng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ có thể lên đến 39 độ C.

Các đợt nắng nóng kéo dài thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6. Khoảng thời gian này nhiệt độ môi trường tăng cao, mực nước các con sông xuống thấp, xuất hiện gió nóng, nhiệt độ cuối ngày xuống chậm, sự tản nhiệt diễn ra lâu hơn khiến không khí oi bức… Do đó nhu cầu sử dụng các thiết bị điện như quạt máy, điều hòa, thông gió, hệ thống làm mát rất cao, tiền điện phải trả cũng tăng.

Theo số liệu Tổng công công ty Điện lực miền Nam, công suất cao nhất của hệ thống điện trong 3 ngày 3-5/3 khu vực 21 tỉnh thành phía Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau, không bao gồm TP HCM) tăng hơn 11% so với công suất cao nhất những ngày đầu tháng 2 (dù thời điểm cận Tết tiêu thụ điện cao). Thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sự cố lưới điện do nhiều thiết bị điện ở ngoài trời đã phải chịu đựng môi trường nhiệt độ cao dài ngày, ngay cả ban đêm cũng rất oi bức. Hộ gia đình cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, các thiết bị điện có thể suy giảm hiệu suất. Điều này dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

(Theo VnExppress)

Sóng hài-mối nguy hại cho hệ thống điện

Sóng hài và tác hại của sóng hài với lưới điện:

Khi giá trị hiệu dụng và giá trị biên độ của tín hiệu điện áp hay dòng điện tăng do sóng hài sẽ kéo theo một loạt những nguy hại xảy ra với toàn bộ hệ thống lưới điện như làm tăng phát nóng của dây dẫn điện, thiết bị điện sinh ra nhiệt cao gây hư hỏng thiết bị, hỏa hoạn và nguy cơ cháy nổ; làm cho tụ điện bị quá nhiệt và trong nhiều trường hợp có thể dẫn tới phá hủy chất điện môi. Các sóng điều hòa bậc cao còn có thể làm momen tác động của rơle biến dạng gây ra hiện tượng nhảy rơle dẫn đến thời điểm tác động của rơle sai lệch, gây cảnh báo nhầm của các UPS đồng thời gây ra tổn thất đồng, tổn thất từ thông tản và tổn thất sắt làm tăng nhiệt độ Máy biến áp dẫn đến làm tăng tổn thất điện năng.

Ngoài ra, sóng hài còn làm tổn hao trên cuộn dây và lõi thép động cơ tăng, làm méo dạng momen, giảm hiệu suất máy, gây tiếng ồn; ảnh hưởng đến sai số của các thiết bị đo, làm cho kết quả đo bị sai lệch. Nguy hại hơn, các sóng điều hòa bậc cao còn có thể sinh ra momen xoắn trục động cơ hoặc gây ra dao động cộng hưởng cơ khí làm hỏng các bộ phận cơ khí trong động cơ; làm các thiết bị sử dụng điện và đèn chiếu sáng bị chập chờn ảnh hưởng đến con người đồng thời gây sóng điện từ lan truyền trong không gian làm ảnh hưởng đến thiết bị thu phát sóng.

Các nguồn sinh ra sóng hài:

  • Các phụ tải công nghiệp: Các thiết bị điện tử công suất, biến tần, lò hồ quang, máy hàn, bộ khởi động điện tử, đóng mạch máy biến áp công suất lớn…
  • Các phụ tải dân dụng: Đèn phóng điện chất khí, tivi, máy photocopy, máy tính, lò vi sóng…

Đặc biệt, thời gian gần đây có rất nhiều Inverter của hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới làm tăng nguy cơ gia tăng sóng hài với lưới điện.

Tiêu chuẩn quy định ngưỡng sóng hài:

Để giảm ảnh hưởng của sóng hài trong hệ thống điện, Thông tư 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 của Bộ Công Thương quy định:

* Yêu cầu về sóng hài điện áp:

1. Tổng độ biến dạng sóng hài điện áp tại mọi điểm đấu nối trung và hạ áp không được vượt quá giới hạn như sau:

– Tổng biến dạng sóng hài: ≤ 6,5%

– Biến dạng riêng lẻ: ≤ 3,0%

2. Cho phép đỉnh nhọn điện áp bất thường trên lưới điện phân phối trong thời gian ngắn vượt quá tổng mức biến dạng sóng hài quy định như trên nhưng không được gây hư hỏng thiết bị của lưới điện phân phối.

* Yêu cầu về sóng hài dòng điện:

1. Giá trị cực đại cho phép của tổng độ biến dạng sóng hài dòng điện phụ tải gây ra được quy định như sau:

a) Đối với đấu nối vào cấp điện áp trung áp và hạ áp có công suất nhỏ hơn 50 kW: Giá trị dòng điện của sóng hài bậc cao không vượt quá 20% dòng điện phụ tải;

b) Đối với đấu nối vào cấp điện áp cao áp hoặc các đấu nối có công suất từ 50 kW trở lên: Giá trị dòng điện của sóng hài bậc cao không vượt quá 12% dòng điện phụ tải.

2. Tổng độ biến dạng sóng hài dòng điện do Đơn vị phân phối điện (Điện lực địa phương) đo tại điểm đấu nối của Khách hàng sử dụng lưới điện phân phối được đo đếm theo tiêu chuẩn IEC1000-4-7, kéo dài ít nhất 24 giờ với chu kỳ 10 phút 01 lần. Chậm nhất 06 tháng kể từ thời điểm phát hiện thiết bị của khách hàng không đạt được giá trị quy định tại Khoản 1 Điều này, khách hàng phải áp dụng các biện pháp khắc phục để đạt được giá trị tổng độ biến dạng sóng hài dòng điện trong giới hạn cho phép.

Các phương pháp làm giảm sóng hài:

Thay thế các thiết bị hư hỏng mà nguyên nhân gây ra bởi sóng hài là giải pháp tốn kém, làm tăng kinh phí đầu tư đến 15% và kinh phí vận hành đến 10%. Vì thế, cần lựa chọn những giải pháp ít tốn kém lại mang hiệu quả cao trong việc kiểm soát sóng hài. Một số phương pháp thường được dùng để làm giảm sóng hài:

+ Dùng cuộn kháng cho biến tần;

+ Giải pháp chỉnh lưu 12 xung (12 pulse);

+ Bộ lọc thụ động (Passive Harmonic filter);

+ Bộ lọc tích cực (Active Harmonic filter);

+ Sử dụng loại biến tần có sóng hài thấp (low harmonice drive).

Có thể thấy, sóng hài là dòng điện không mong muốn làm quá tải đường dây và biến áp, làm tăng nhiệt độ hệ thống (hoặc thậm chí gây hỏa hoạn) và gây nhiễu lên lưới điện. Trong trường hợp chạy nhiều động cơ cùng lúc, không kiểm soát sóng hài có thể làm quá tải hệ thống điện, tăng công suất nhu cầu (power demand) và làm máy ngừng chạy (do nguồn bị quá tải), gây hư hao thiết bị hoặc làm ngưng cả hệ thống. Chính vì thế, giảm thiểu sóng hài là nhân tố quan trọng giúp duy trì tuổi thọ của các thiết bị vận hành.

Thiết bị lọc sóng hài do NVR cung cấp

Hiện nay, NVR cùng với đối tác của mình thực hiện việc cung cấp và lắp đặt thiết bị khử sóng hài chủ động AHF (Active Harmonic Filter) của hãng Sinexcel

Bộ lọc sóng hài
Tủ chưa các bộ lọc sóng hài AHF- Gọn, nhẹ- thẩm mỹ cao
  • Ưu điểm:
  • Gọn, nhẹ, dễ dàng tích hợp vào hệ thống có sẵn hoặc hệ thống mới.
  • Giảm năng lượng điện năng tiêu thụ và hiệu suất hoạt động lớn hơn 96%.
  • Kỹ thuật lọc sóng hài chủ động, vì vậy THDi thấp hơn 3% , đáp ứng tiêu chuẩn IEEE519-1992 và quy định hiện hành.
  • Tiết kiệm năng lượng/ Tối ưu chất lượng điện năng

Nếu Doanh nghiệp của bạn có nhu cầu, hãy alo cho NVR để được tư vấn kỹ nhé.

(NVR Tổng Hợp)